Press ESC to close

Ý nghĩa Hội Thánh trong Hy Ngữ

Hội Thánh là gì?

Có nhiều từ khác nhau chỉ về Hội Thánh trong Kinh Thánh. Hội Thánh được gọi là ‘dân tộc được chọn’, ‘dân được chọn’, ‘thầy tế lễ nhà vua’, ‘dân thánh’ (1 Phi 2:9), ‘thân thể Đấng Christ’ (1 Cor 12:27, Ê-phê 1:23, Col 1:18), ‘đền thờ của Đức Thánh Linh’ (1 Cor 3:16, 1 Pet 2;5), ‘là trụ và nền lẽ thật’ (1 Tim 3:15), ‘Giê-ru-sa-lem trên cao’ (Gal 4:26), ‘Giê-ru-sa-lem mới’ (Khải 21:2,9,10). Tuy nhiên, Chúa Jesus lần đầu tiên sử dụng từ cụ thể ‘Hội Thánh’ trong Ma-thi-ơ 16:18.

Trong nguyên ngữ Hy Lạp, Hội Thánh là ἐκκλησία (ekklēsia) (3 Giăng 6,9,10; Mat 16:18; Rô 16:1; Khải 1:4). Theo Strong’s #1577 ekklēsia có ý nghĩa đơn giản là ‘một hội chúng’. Từ này được sử dụng trong tiếng Hy Lạp để nói về bất cứ nhóm người nào tập hợp lại cho chính trị hoặc lễ hội. Trong bối cảnh của Ma-thi-ơ 16:18, Chúa Jesus áp dụng cho đoàn dân tập họp xung quanh ngài, thừa nhận công khai Ngài là Chúa của họ, và chấp nhận những nguyên tắc của vương quốc thiên đàng.1

Cụm từ ‘hội thánh’ được sử dụng bởi những trước giả Tân Ước có ý nghĩa chỉ về hội chúng địa phương của những người tin, hoặc cả thân thể của những người tin. Trong thư tín thứ ba của John chúng ta thấy một ví dụ về hai cách sử dụng: ‘hội thánh’ hàm ý một nhóm người tin lớn và không cụ thể, trong khi chỗ khác từ ‘hội thánh’ chỉ về một hội thánh địa phương cụ thể. Dựa vào phương thức tổng thể của Tân Ước, xuất hiện các Cơ Đốc Nhân ở mỗi thành phố đã tập hợp dưới những trưởng lão (Công 14:23; 15:2,4; 20:17,18; Tít 1:5). Trong hội thánh địa phương trong mỗi thành phố hầu như có vài ‘hội chúng’ hoặc ‘những buổi gặp’ của những người tin, được tổ chức tại những gia đình khác nhau.2 Hoàn thiện ý nghĩa của từ ‘hội thánh’, Hội Thánh là hội của những người tin Chúa Jesus là Cứu Chúa của họ.

Hội Thánh hữu hình và Hội Thánh vô hình

Cụm từ Hội Thánh vô hình và Hội Thánh hữu hình trở nên quen thuộc với hầu hết các Cơ Đốc Nhân. Người ta nói rằng Martin Luther là người đầu tiên đưa ra sự khác biệt này, nhưng những Nhà Cải Chánh khác đã công nhận và áp dụng nó vào Hội Thánh. Họ đã phân biệt rõ ràng giữa hội thánh vô hình và hội thánh hữu hình, hay nói cách khác giữa hội thánh vô hình đúng đắn và những hội thánh hữu hình hỗn hợp.[3] Thuật ngữ này không ám chỉ đến hai loại hội thánh khác nhau nhưng là hai khía cạnh của một Hội Thánh của Đấng Christ. Hội Thánh vô hình chỉ về toàn bộ những người tin được chọn trên thế giới, là những người được gọi bởi Đức Thánh Linh để tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của họ. Hội Thánh này được gọi là hội thánh vô hình vì đây là bản chất thuộc linh và bản chất thuộc linh của hội thánh không thể nhận thấy bằng mắt vật lý; và cũng vì không thể xác định ai thuộc về và không thuộc về hội thánh này. Mặt khác, hội thánh hữu hình là hội những người nam và nữ trung tín, trong đó Lời của Đức Chúa Trời được rao giảng cách thuần tuý, và các thánh lễ được được thực hiện hợp lệ theo sự chỉ định của Đấng Christ.

Hội thánh địa phương và hội thánh phổ thông

Trong Tân Ước, từ ngữ “Hội thánh” có thể được áp dụng cho một nhóm các tín hữu ở bất cứ mức độ nào, từ một nhóm nhỏ nhóm lại trong một nhà riêng mọi cách, đền nhóm của tất cả các tín hữu thật trong Hội thánh phổ thông. Một “Hội thánh tư gia” được gọi là một “Hội thánh” trong Rô-ma 16:5 “Xin kính chào Hội thánh họp tại nhà họ” và 1 Cô-rinh-tô 16:19 “Ông A-qui-la, bà Bê-rít-sin cùng Hội thánh họp trong nhà hai người ấy cũng gỏi lời thân ái chào anh chị em trong Chúa”. Hội thánh trơng toàn thành phố cũng được gọi là “một Hội thánh” (I Cô. 1:2; II Cô. 1:1; và I Tê,1:1). Hội thánh trong một vùng được nói đến như là một “Hội thánh” trong Công 9:31: “Hội thánh khăp vùng Giu-đe, Ga-li-lê và Sa-ma-ri được bình an một thơi gian và được gây dựng?” Cuối cùng, Hội thánh khắp thế giới có thể được nồi đến là “Hội thánh” Phao-lô nói: “Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh” (Êph. 5:25) và nói “Đức Chúa Trời đã lập trong Hội thánh trước nhất là các sứ đồ, thứ hai là nhà tiên tri, thứ ba là giáo sư…” (I Cô. 12:28). Trong câu sau này đề cập “sứ đồ,” những người không được ban cho bất cứ Hội thánh riêng biệt nào, bảo đảm rằng ở đây ám chỉ đến Hội thánh phổ thông.

Chúng ta có thể kết luận rằng nhóm người của Đức Chúa Trời được xem ở mức độ nào từ địa phương đến phổ thông có thể được gọi đúng đắn là “một Hội thánh.” Chúng ta không nên phạm sai lầm khi nói rằng chỉ một Hội thánh nhóm nhau trong nhà biểu lộ bản chất thật của Hội thánh, hoặc chỉ một Hội thánh được xem xét ở một mức độ rộng khắp thành phố có thể được gọi đúng đắn là một Hội thánh, hoặc chỉ Hội thánh phổ thông có thể được gọi đúng đắn bằng tên “Hội thánh.” Đúng hơn, cộng đồng của dân Đức Chúa Trời ở bất cứ mức dộ nào có thể được gọi đúng đắn là một Hội thánh.[4]

Có một chú ý quan trọng rằng Đấng Christ chỉ có một Hội Thánh.

Chúa Jesus đã bày tỏ điểm này rất rõ ràng khi Ngài phán “Ta còn có những chiên khác không thuộc về chuồng nầy; Ta cần phải đem chúng về nữa. Chiên ấy sẽ nghe tiếng Ta, rồi sẽ chỉ có một bầy và một người chăn mà thôi” (Giăng 10:16). Bầy này là Y-sơ-ra-ên và bầy khác là Dân Ngoại. Chỉ có một Hội Thánh, bao gồm người Y-sơ-ra-ên và Dân Ngoại là những người thuộc về Chúa Jesus. Bức tường phân cách bởi quốc gia, chủng tộc, ngôn ngữ sẽ bị phá vỡ và hai phía sẽ được kết nối trong sự hiệp một trở nên một bày, một thân thể của Đấng Christ.

Đấng Christ chỉ có duy nhất một Hội Thánh, một “Nàng Dâu” và Ngài đã chết cho Hội Thánh để Hội Thánh thuộc riêng duy nhất về Ngài.

Có hàng ngàn hội thánh hữu hình khác nhau hoặc hội thánh địa phương ở mọi nơi trên thế giới, nhưng chỉ có một hội thánh vô hình của Đấng Christ, bao gồm tất cả các hội thánh vô hình được cứu. Hội thánh địa phương có thể khác nhau về lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức, truyền thống. Có thể những hội thánh địa phương có thể đồng ý hoặc không đồng ý về vài yếu tố niềm tin liên quan đến diễn giải Kinh Thánh, nhưng không phải tà giáo, nhưng họ là những Cơ Đốc Nhân thật nếu họ đầu phục Đức Chúa Trời, tin Chúa Jesus làm cứu Chúa của họ.  Trong bối cảnh văn hoá hội thánh toàn thế giới, nơi mà có những nhóm hội thánh này thiếu tôn trọng nhóm hội thánh khác vì sự khác biệt hệ phái, thì lẽ thật này có thể giúp đỡ phá bỏ bức tường miệt thị. Không có một hội thánh hoàn hảo hoặc một hệ phái hoàn hảo tồn tại. Chỉ duy nhất Đức Chúa Trời hoàn hảo, và chúng ta thuộc về dân sự của Ngài.


  1. Berkhof L, “Manual of Christian Doctrine”, (Grand Rapids, MI: WM. B. Eerdmans Publishing Company, 1933), p. 279. ↩︎
  2. B The NKJV Study Bible, (Nashville, TN: Thomas Nelson, 2007). ↩︎
  3. Schaff P, & Schaff D. S, “History of the Christian Church”, (New York: Charles Scribner’s Sons, 1910), Vol. 7, p. 525. ↩︎
  4. Systematic Theology, (Wayne Grudem, NXBTG 2023) ↩︎

Loading

Nguyễn Quốc Vũ

Founder and writer of vietchurch.net