Press ESC to close

Cơ Đốc Nhân có nên tìm kiếm phép lạ?

Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của phép lạ, uy quyền, toàn năng trên mọi loài sống, con người, vật thọ tạo và toàn cõi của vũ trụ. Chúng ta có thể bắt gặp phép lạ của Đức Chúa Trời xuyên suốt Kinh Thánh, ngay từ lúc ban đầu Ngài dựng nên trời đất, với con người đầu tiên. Ngài tiếp tục thực hiện phép lạ lớn lao qua những con người đức tin trong Cựu Ước từ A-đam đến Nô-ê, Áp-raham, Môi-se và các nhà tiên tri. Ngài không ngừng lại việc thực phép lạ, tiếp tục xuyên suốt Tân Ước. Chúa Jesus thực hiện nhiều dấu kỳ phép lạ mà không thể nào ghi chép hết, tiếp tục đến các môn đồ của Ngài. Trong lịch sử hội thánh, Ngài tiếp tục thực hiện phép lạ cho mục đích lớn lao của Ngài.

Rất nhiều thắc mắc về việc liệu ngày hôm nay có còn phép lạ không? Quyền năng không bao giờ cạn kiệt trong Ngài và Đức Chúa Trời là Đấng không hề thay đổi, hôm qua ngày nay và cho đến đời đời. Lời Kinh thánh tỏ tường vào những ngày sau cuối Chúa sẽ làm nhiều dấu kỳ phép lạ. Nhưng hãy khôn ngoan, nhìn nhận điều mà Chúa dạy về mục đích của phép lạ. Ngài có bày tỏ mục đích phép lạ được tìm thấy trong Kinh Thánh. Phép lạ được thực hiện để đạt được những mục đích của Đức Chúa Trời muốn bày tỏ.

1. Phép lạ chứng minh Chúa Jesus là Đức Chúa Trời

Những phép lạ trong Tân Ước có mục đích xác nhận. Giăng đã nói “Đây là dấu lạ thứ nhất Đức Chúa Jêsus đã làm tại thành Ca-na, trong miền Ga-li-lê, và bày tỏ vinh quang Ngài nên các môn đồ tin Ngài.” (Giăng 2:11). Giăng cũng tiếp tục viết “Đức Chúa Jêsus còn làm nhiều dấu lạ khác…Nhưng các việc nầy được ghi chép để anh em tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, và để khi anh em tin thì nhờ danh Ngài mà được sự sống.” (Giăng 20:30-31). Chúa Jesus thực hiện nhiều dấu kỳ, phép lạ để dân của Ngài nhìn thấy và tin rằng Ngài không chỉ đưa cho họ chân lý, nhưng chính Ngài đến từ Đức Chúa Trời và là Đức Chúa Trời. Hãy để ý, có những lúc Chúa Jesus khướt từ làm phép lạ vì tấm lòng cứng cỏi của người Do Thái không tin rằng Ngài là Đức Chúa Trời. Vì vậy, phép lạ được thực hiện như là một dấu hiệu chứng minh Chúa Jesus là Đức Chúa Trời.

2. Củng cố việc rao giảng Phúc Âm

Khi một số người khước từ Chúa Jesus, thậm chí Ngài đã chữa lành một người đàn ông bị mù, nhưng người khác đã nói “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” (Giăng 9:16). Các sứ đồ đã đầy tự tin tuyên bố rằng “Thưa đồng bào Y-sơ-ra-ên, xin hãy nghe tôi nói đây: Đức Chúa Jêsus người Na-xa-rét đã được Đức Chúa Trời xác chứng trước anh em bằng những việc quyền năng, các phép mầu và dấu lạ. Qua Ngài, Đức Chúa Trời đã thực hiện những điều đó giữa anh em như chính anh em đều biết rõ.” (Công vụ 2:22).  Geisler trong sách Thần Học Hệ Thống tin rằng phép lạ được tiếp tục thực hiện bởi các sứ đồ để củng cố phúc âm của Chúa Jesus.[1]  

Mục đích phép lạ được ban cho các môn đồ là để củng cố Phúc Âm mà họ đang rao giảng. Mác đã ký thuật mục đích của phép lạ “Các môn đồ ra đi truyền giảng khắp nơi; Chúa cùng làm việc với họ và dùng các dấu lạ kèm theo để làm cho vững đạo.” (Mác 16:20). Phép lạ được thực hiện khi rao giảng phúc âm cho những người không tin để cho chứng minh cho những người chưa nghe phúc âm rằng đây là đạo đến từ Đức Chúa Trời, không phải con người. Phép lạ không thể đứng một mình, nhưng luôn đi cùng Lời Đức Chúa Trời.

3. Phép lạ thể hiện lòng thương xót của Đức Chúa Trời

Phép lạ là sự tỏ ra cho mọi người biết lòng thương xót lớn lao của Đức Chúa Trời trên con cái Ngài, không phải là sự thể hiện chuyên nghiệp. Khi gặp Chúa Jesus đi đến thành của mình, hai người mù thành Giê-ri-cô đã la lên rằng “Lạy Con vua Đa-vít, xin thương xót chúng con!”. Đức Chúa Jêsus cảm thương, nên chạm vào mắt họ. Lập tức họ được sáng mắt và đi theo Ngài. (Ma-thi-ơ 20:30-34). Đức Chúa Jesus thương xót những người tìm kiếm Ngài hết lòng, và phép lạ đôi khi là chứng cớ cho lòng thương xót của Chúa. Tại đây, xin đừng hiểu lầm rằng phép lạ luôn luôn là bằng chứng của lòng thương xót, Ngài không nhất thiết phải chữa lành cho mọi con cái Ngài trong mọi hoàn cảnh. Ngài làm điều này vì Ngài vui lòng cho sự vinh hiển của Ngài.

Vẫn có nhiều người ngày này theo xu hướng cầu nguyện chữa lành chuyên nghiệp, điều này trái ngược với tinh thần của Thánh Kinh. Họ cổ xúy những phương cách vận dụng đức tin với sức mạnh của lời tuyên bố (tôn giáo ngoại giáo). Hãy phân biệt, Đức Chúa Trời chữa lành những người mà Ngài muốn chữa lành, không một ai có thể kiểm soát Ngài và ra lệnh cho Ngài phải chữa lành một ai đó hay một đám đông nào đó.  

Sự nguy hiểm khi lấy phép lạ làm phép thử

Nhiều Cơ Đốc Nhân vẫn thắc mắc rằng người ấy không thuộc về Chúa Jesus thì sao lại có thể thực hiện được phép lạ? Phép lạ, chữa lành là phép thử vô cùng yếu ớt (đôi khi không thể là phép thử) để kiểm tra một người có thuộc về Chúa Jesus. Những giáo sư giả vẫn có thể làm phép lạ, Satan cũng sẽ được phép làm phép lạ trong ngày cuối cùng. Tín lý có thể đứng một mình, nhưng phép lạ thì không thể đứng một mình vì chính Satan, giáo sư giả cũng có khả năng sản sinh ra phép lạ. Bản thân phép lạ không thể tự chứng minh được gì nếu không có tín lý. Thay vào đó, tín lý chứng minh phép lạ. Đó là lí do tại sao mỗi phép lạ phải được kiểm tra bởi tín lý, bởi Lời của Đức Chúa Trời, để chắc rằng đó là từ Đức Chúa Trời không phải của Satan. [2]

Nhiều Cơ Đốc Nhân bị cuốn vào những phong trào tìm kiếm phép lạ rồi đánh mất Phúc Âm tại đó. Fruchtenbaum lập luận “Tìm kiếm phép lạ… đây là nơi mà nhiều người bị cuốn vào những phong trào mà họ không bao giờ trưởng thành hoặc không bao giờ được cứu bởi vì họ cho rằng sự tồn tại phép lạ siêu nhiên tự động có nghĩa là nó thuộc về Chúa”. Không gì có thể lớn hơn hoặc xa hơn lẽ thật, vì chính Satan cũng có thể thực hiện các phép lạ, chữa bệnh. [3] Hồ lửa đời đời cũng có những người thực hiện phép lạ ở tại đó (Mat 7:15-23).

Chúa Jesus quở trách những người đến với Ngài nhưng không tìm kiếm Ngài

Đừng vội cho rằng bất cứ ai tìm đến với Chúa Jesus đều luôn muốn tìm kiếm chính Ngài. Đoàn dân rất đông, không phải một số ít, đã vượt đoạn đường xa, mất thời gian để tìm đến với Chúa Jesus, nhưng họ không tìm kiếm Ngài, họ tìm kiếm bánh từ Ngài. Chúa Jesus thấy được động cơ tìm kiếm của họ, Ngài đã vạch rõ “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta không phải vì đã thấy các dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê.” (Giăng 6:26). Họ tìm kiếm Chúa Jesus với lí do sai trật. Họ tìm kiếm Chúa với động cơ sai trật. Họ chỉ tìm kiếm Chúa Jesus vì được thỏa mãn bụng mình, đó không phải là lí do để tìm kiếm Chúa Jesus. Chúa Jesus không chấp nhận những người tìm kiếm Ngài với động cơ sai trật. Rất nhiều người ngày hôm nay cũng tìm kiếm Chúa Jesus với động cơ như vậy. Họ vượt đoạn đường xa, chi trả nhiều tài chánh để đến với Chúa Jesus nhưng không phải tìm kiếm Ngài nhưng tìm kiếm phép lạ.

Hãy mở mắt ra, trở nên khác biệt với đoàn dân đông để thấy được nhu cầu của chính mình. Con người vật lý được nuôi dưỡng bằng thức ăn vật lý, con người thuộc linh được nuôi dưỡng bằng thức ăn thuộc linh “Ta là bánh của sự sống. Ai đến với Ta chẳng hề đói, ai tin Ta chẳng hề khát.” (Giăng 6:35). Chúa Jesus và Lời Kinh Thánh là nhu cầu của những người mà Ngài đã chọn. Vì duy nhất trong Ngài, các thánh đồ tìm thấy được sự thỏa mãn. Không tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài là hành trình không bao giờ đến đích của Cơ Đốc Nhân.

Không tìm kiếm Chúa Jesus là bánh của sự sống, nhưng chủ tâm tìm kiếm phép lạ, khướt từ tìm kiếm chính Chúa là sự tìm kiếm sai lầm. Đây là sự ngụy trang Tin Lành, nhưng đích thực không phải Tin Lành vì nó không tìm kiếm thập tự giá của Đấng Christ. Rất nhiều mục sư, diễn giả ngày nay đã khuyến khích mọi người tìm kiếm Chúa Jesus với những động cơ sai trái. Chúa Jesus quở trách những người phục vụ và những người tìm kiếm này. Bạn có thể thấy phép lạ nhưng có thể bạn không biết Chúa nhiều hơn. Bạn có thể thấy phép lạ nhưng phép lạ không thánh hóa bạn trở nên giống Chúa hơn.

Một mục sư trung thành với Đấng Christ thì luôn tập chú vào Phúc Âm, không phải phép lạ

Phao-lô tuyên bố trong khi người Do Thái tìm kiếm phép lạ, người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan thì tôi giảng về Chúa Jesus Christ. Ông kiên quyết chỉ sao giảng thập tự giá của Đấng Christ, điều mà nhiều người khôn ngoan xem là dại khờ, người Giu-đa xem không có phép lạ là sự thất bại. Không phải vì lí do Phao-lô không có khả năng đáp ứng nhu cầu phép lạ của người Do Thái hay sự khôn ngoan người Hy Lạp tìm kiếm, nhưng ông không thể đi ngược với phương cách mà Đức Chúa Trời hành động. Ngài phá hủy mọi suy nghĩ kiêu ngạo của con người để tôn vinh Đấng Christ. Con người luôn nhờ cậy sự khôn ngoan mình mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài “sẽ hủy-phá sự khôn-ngoan của người khôn-ngoan, Tiêu-trừ sự thạo-biết của người thạo-biết” (1 Cô-rinh-tô 1:17-25).

Cơ Đốc Nhân hãy ngưng tôn sùng phép lạ, thần tượng diễn giả nhưng hãy say mê Đấng Christ và dầm mình trong Lời Hằng Sống.

Ngoài Phao-lô, hãy nhìn những người đầy tớ trung thành khác của Chúa Jesus, người được Chúa Jesus trao thẩm quyền, làm phép lạ, chữa bệnh. Sứ đồ Phi-e-rơ làm phép lạ người chết sống lại. Giăng cùng với Phi-e-rơ cầu nguyện cho người bại từ mới sanh được đi. Cùng những sứ đồ khác, được sự ban cho thực hiện các phép lạ. Nhưng chức vụ và sự rao giảng của họ không phải về phép lạ, tất cả là về Phúc Âm của Chúa Jesus, là Đấng chủ của phép lạ.

Phép lạ có một mục đích hướng đức tin chúng ta đến việc tin rằng Chúa Jesus là Đức Chúa Trời và thấy được lòng thương xót của Ngài. Phép lạ đi kèm để hỗ trợ đức tin chúng ta, chứng minh Phúc Âm mà chúng ta đang tin đến từ Đức Chúa Trời. Phép lạ không thể thay thế Đức Chúa Trời làm đối tượng đức tin và sự tìm kiếm của chúng ta. Phép lạ càng không thể là trọng tâm của sứ điệp bài giảng, nhưng sứ điệp phải đặt trọng tâm vào ân điển, phúc âm và sự cứu chuộc trong Chúa Jesus. Nếu giảng luận chỉ hướng vào phép lạ và vào chúng ta, không hướng vào Chúa Jesus thì đó không phải là giảng luận Kinh Thánh.

Là một người đầy tớ tốt trung thành của Đức Chúa Trời, người ấy phải hiểu được trái tim của Phúc Âm và trung thành với phúc âm đó. Người ấy say mê với Đấng Christ, không phải phép lạ chữa lành cũng như hướng đức tin của hội thánh hoặc thính giả bám chặt vào Lời Đức Chúa Trời và giúp họ cũng say mê Đấng Christ.  

Cơ Đốc Nhân hãy thôi tìm kiếm phép lạ nhưng hãy tìm kiếm sự dạy dỗ mầu nhiệm của Phúc Âm, hãy ngưng tôn sùng phép lạ nhưng hãy say mê Đấng Christ. Nếu không, bạn sẽ không biết mình đang đối diện với sự nguy hiểm nào phía trước.


  1. Geisler, N. L. (2003). Systematic theology, volume two: God, creation (p. 609). Minneapolis, MN: Bethany House Publishers. ↩︎
  2. Fruchtenbaum, A. G. (1983). The Messianic Bible Study Collection (Vol. 34, p. 11). Tustin, Calif.: Ariel Ministries. ↩︎
  3. Fruchtenbaum, A. G. (1983). The Messianic Bible Study Collection (Vol. 34, pp. 10–11). Tustin, Calif.: Ariel Ministries. ↩︎

Loading

Nguyễn Quốc Vũ

Founder and writer of vietchurch.net