1. Điều đầu tiên, về việc xác định ngày Chúa Giáng sinh là vấn đề bất khả thi, gây tranh cãi và không phải là một vấn đề lớn trong hệ thống Cơ Đốc giáo ngày nay, thậm chí chỉ là vấn đề rất nhỏ. Nhưng mỗi năm, nó lại bị đào xới một cách thái quá và được biểu đạt một cách cực đoan trên mạng xã hội bằng những lời mỉa mai của một vài người thậm chí là tín đồ. Tại sao chúng ta có thể nói vậy, bởi vì hầu như chẳng có Giáo hội nào dạy tín đồ của mình rằng ngày Chúa Giáng sinh là ngày 25 tháng 12. Thậm chí nhiều Giáo hội còn dạy dỗ tín đồ rất cẩn trọng về vấn đề này tại các lớp giáo lý căn bản về nguồn gốc của Lễ giáng sinh. Và điều quan trọng là Kinh Thánh không hề cung cấp đủ dữ kiện để con dân Chúa có thể xác định chính xác 100% ngày Chúa Giáng sinh. Cho đến nay, ngay cả việc xác định cho chính xác năm của Chúa Giáng sinh vẫn chỉ là phỏng đoán, ước lượng, thậm chí các nhà khoa học đã vào cuộc, tranh luận những vẫn không có đủ bằng chứng về năm Chúa Giáng sinh chứ chưa nói đến ngày Chúa Giáng sinh.
Nhóm học giả I. Howard Marshall, A.R. Millard, J.I. Packer, D.J. Wiseman cho rằng Chúa Giê-xu ra đời không lâu trước khi vua Hê-rốt Đại đế băng hà khoảng năm 4 BC. (Ma-thi-ơ 2:1; 13-15). Tuy nhiên họ cũng công bố rằng không thể xác định chính xác niên đại.[1]1 Các học giả khác cho rằng Chúa Giáng sinh khoảng giữa năm 6-4 BC cùng với đó là sự hoài nghi của các nhà sử học về cái chết của Vua Hê-rốt, những đứa trẻ bị giết. Nhà thiên văn học Colin Humphreys cho rằng ngôi sao Giáng sinh là vào năm 5 BC; nhà thiên văn học Dave Reneke đưa ra phỏng đoán ngôi sao Giáng sinh là sự tiến đến gần nhau của sao Mộc và sao Kim từ đó phát ra ánh sáng chói lòa, xảy ra vào ngày 17 tháng 6 năm 2 B.C và ông cho rằng Chúa Giáng sinh vào mùa hè; Thật thú vị các nhà nghiên cứu khác cũng làm tương tự và họ cho rằng đây là sự kết hợp giữa sao Thổ và sao Mộc xảy ra vào tháng 10 năm 7 BC, vì vậy Chúa Giáng sinh vào mùa Thu; Các nhà thần học thì đưa ra hàng loạt các phỏng đoán về tháng mà Chúa giáng sinh, như vào mùa Xuân thay vì mùa Đông vì cớ những người chăn chiên chăn bầy của mình vào ban đêm là điều mà họ thường làm vào mùa Xuân thay vì mùa Đông.[2] Nhiều người ưa thích phỏng đoán vào mùa Thu thay vì mùa Đông kèm theo đó là những vấn đề tranh cãi về bầy chiên, thời tiết lạnh buốt, mưa về đêm ở Giu-đa… Nhưng cũng theo những nguồn Do Thái từ rất sớm cho biết những con chiên nằm tại Bết-lê-hem quanh năm và chúng di chuyển theo những người chăn bầy quanh khu vực Bết-lê-hem từ tháng 11 đến tháng 03,tuy nhiên với những người chăn đặc biệt thì không di chuyển vì đây là những con chiên dùng cho tế lễ.[3]
Có thể thấy những người nghiên cứu ngày nay khi tìm ngày Chúa Giáng sinh, họ sử dụng những manh mối còn sót lại trong Kinh Thánh, tài liệu lịch sử, lịch Do Thái để đưa ra phỏng đoán về ngày, tháng, năm mà Chúa Giáng sinh. Và đương nhiên việc này lại nối gót tranh cãi đến tranh cãi, trong khi đó, chúng ta có thể dành để làm việc khác có ý nghĩa hơn. Những manh mối và cũng là sự sự tranh luận chúng ta thường thấy là: Sự ra đời của Giăng Báp-tít, sự truy lui từ thầy tế lễ thầy tế lễ Xa-cha-ri thuộc ban A-bi-gia; chi tiết sử gia Josephus cho biết ban Giê-hô-gia-ríp đang làm nhiệm vụ khi Jerusalem bị bao vây trong tuần đầu tiên của tháng Tư năm 70BC (đây là chi tiết nằm ngoài Kinh Thánh); Ê-li-sa-bét mang thai Giăng Báp-tít; Thiên sứ thăm Ma-ri, Ma-ri thăm Ê-li-sa-bét; sự kiện kiểm tra dân số, các nhà thông thái, ước lượng số năm trên đất của Chúa Giê-xu …[4] Những manh mối này đưa họ đến sự tìm tòi và kết quả của sự tìm tòi ấy là các đáp án các tháng mà Chúa Giáng sinh là: 3, 5, 6, 7, 9, 10, 11, 12 … Xuân, Hạ, Thu, Đông đủ cả và đó lý do tại sao chúng ta không bao giờ nên tranh luận về vấn đề này. Giáng sinh được cử hành bắt đầu vào 25/12 năm 336 trong thời của Hoàng đế Constantine sau đó vài năm Giáo Hoàng Julius I chính thức tuyên bố cử hành lễ kỷ niệm vào vào ngày 25/12.[5]
Nhưng trong các bài nghiên cứu ấn tượng là các tác giả: John J. Parson, Bodie Hodge trình bầy cả những lập luận ủng hộ cho việc Chúa Giê-xu giáng sinh vào mùa Thu, cũng như lập luận ủng hộ háng 12. Bodie Hodge thậm chí còn nêu vấn đề tồn đọng đối với lịch Do Thái. Ở đây chúng ta tôn trọng toàn bộ sự nghiên cứu của các tác giả, kể cả những bài nghiên cứu bằng tiếng Việt. Nhưng cho đến nay trên thế giới, không có một bài viết nào đủ sức nặng để chúng ta khẳng định 100% về ngày tháng năm Chúa giáng sinh. Điều đó cũng cho thấy chúng ta không thể áp đặt quan điểm cá nhân của mình lên một cá nhân, tập thể khác. Xin giới thiệu đến quý vị các bài viết tham khảo trong phần ghi chú số 4 để tìm hiểu thêm.
Vì Vậy, nếu ai đó cố chứng minh Chúa Giê-xu không phải giáng sinh ngày vào 25/12 đó là chuyện giống như một “cơn bão trong một tách trà”, thậm chí nhiều người còn chẳng buồn bàn đến, nghĩ đến thay vào đó là sự suy niệm Giáng sinh, nhắc nhở, động viên mọi người về việc tìm kiếm, gặp gỡ Đấng Giáng Sinh.
2. Điều thứ hai, về vấn đề đây là lễ của tà thần nên cần phải thay đổi ngày lễ kỷ niệm. Chúng ta lại phải khẳng định có nhiều sự bàn luận vì sao ngày 25/12 lại được dùng để tổ chức ngày lễ kỷ niệm mừng Chúa Giáng sinh. Tuy nhiên nhìn chung những ý kiến thiểu số không đáng quan tâm cho rằng không được kỷ niệm ngày Chúa Giáng sinh vào ngày của các thần ngoại giáo.
Theo học giả Bodie Hodge cho biết Lễ kỷ niệm ngoại giáo mà người ta hay nhắc đến đầu tiên là Saturnalia, đó là lễ hội La Mã cho thần Saturn của họ. Nó kéo dài từ khoảng ngày 17 đến ngày 23 tháng 12. Saturn là thần La Mã tương tự như thần Hy Lạp “Cronus” hoặc “Kronos”. Nhưng điều thú vị là ông chưng dẫn nhiều thần của thần thoại Hy Lạp như Kronos được dựa trên những nhân vật lịch sử và được thần thánh hóa, là biến thể Cethimas / Kittem và là con cháu của Nô-ê. Bằng một cách nào đó sự sống lâu của con cháu Nô-ê đã được truyền đạt lại đến nỗi họ nổi lên như một vị thần. Chúng ta biết rằng Vùng đất Hy Lạp là nơi sinh sống của các con cháu của cháu trai của Gia-van (Javan) là con cháu Nô-ê, Gia-van là con của Gia-phết có bốn người con (Sáng thế 10:2-4): Ê-li-sa (Elishah) và Ta-rê-si (Tasmish), Kít-tim (Kittim (Cethimus) và Đô-đa-nim (Rodanim /Dodanim). Ông cho rằng những ngày lễ ngoại giáo này có thể là kết quả được sinh ra bởi một quan điểm che dấu về một nhân vật trong Kinh Thánh. Mặt khác ông cho rằng chẳng có vấn đề liên quan đến thờ thần tượng khi có lỡ tổ chức một kỳ lễ trùng với một kỳ lễ mà người khác thờ thần của họ. Giống như bây giờ con dân Chúa hiệp lại hàng năm kỷ niệm ngày Tin Lành Cải Chính nhớ đến công khó của Martin Luther và nó lại trùng với kỳ lễ Halloween. Về vấn đề ngoại giáo xin tham khảo thêm James Bishop. [6]
Bây giờ chúng ta quay lại khoảng thế kỷ thứ 4 để bàn đến về cuộc chiến chống lại Lễ hội ngoại giáo thờ thần Mặt Trời Bất Khả Chiến Bại. Thật hài hước, ngày nay chúng ta cũng phải chống lại “cụm từ này” nhưng không phải bởi từ những người ngoại giáo mà chính từ những tín đồ tin lành hay bắt bẻ vào mỗi đợt Giáng sinh về. Chúng ta biết rằng, bắt đầu từ thế kỷ thứ ba là thời gian mở rộng và củng cố Hội Thánh và đây cũng là thời gian diễn ra sự thay đổi về tôn giáo của toàn thế giới La Mã đặc biệt là ngoại giáo. Hoàng đế Aurelian đã xây dựng một đền thờ lớn cho thần Mặt Trời Bất Khả Chiến Bại, nơi ông định biến nó thành trung tâm tôn giáo của cả đế quốc. Cơ Đốc Nhân ở thế kỷ thứ tư đã phải sử dụng một cách đầy khôn ngoan và tốt nhất vào bấy giờ để chống lại vị thần phổ biến và có tầm ảnh hưởng lớn này bằng cách sử dụng ngày chính ngày sinh của thần là ngày 25 tháng Mười Hai (ngày Đông chí) để kỷ niệm ngày Chúa Giê-xu giáng sinh – Mặt Trời Công Bình. Và Williston Walker đã cho biết việc nhớ đến Đấng Christ Giáng Sinh kể từ dó bắt đầu thịnh hành hơn cả là sự thờ phượng thần mặt trời mà đại diện của nó là nghi lễ thờ thần Mithras phổ biến, Nắng Mai của người Iran. Đây là thần phổ biến ở phương Tây hơn phương Đông và nó rất có ảnh hưởng trong quân đội La Mã.[7] Thật tuyệt vời khi ngày Lễ kỷ niệm mừng Chúa Giáng sinh đã thắng thế, đây chẳng khác gì một sự tuyên bố chiến thắng giống như cách Chúa đã chiến thắng các vị thần của Ai Cập qua mười tai vạ. Nếu cho chúng ta một lần nữa quay lại lịch sử vào thế kỷ thứ 4, tại sao chúng ta lại không thể tổ chức Giáng sinh vào ngày 25/12 là ngày Chúa Giê-xu, Chúa chúng ta, Đấng Chiến Thắng, đánh bại một thần có danh hiệu là “bất khả chiến bại” đang có ảnh hưởng mạnh trên toàn đế quốc La Mã, để từ đó người dân thay thế vị thần ngoại giáo này bằng một Đấng Chân Thần. Chúng ta phải vui mừng vì vị “thần bất khả chiến bại” đã “bị đánh bại” và Chúa Giê-xu mới thực sự là “bất khả chiến bại”.
Như vậy câu chuyện này cũng cần được nhìn từ quan điểm của người Công giáo. Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Khảm chia sẻ trong một bài về Giáng sinh và cho biết việc kỷ niệm mừng Chúa Giáng sinh ngày 25/12 vào thế kỷ thứ 4 trước hết mang tính biểu tượng. Trong Kinh Thánh nhiều lần Chúa Giê-xu được gọi là Mặt Trời Công Chính. Ngày 25/12 theo vận hành của thiên nhiên bên Âu Châu – ngày Đông Chí, có những huyền thoại của các dân tộc xưa kể rằng vào đêm 24 rạng ngày 25 thì chính đêm ấy thần mặt trời được sinh ra để sáng ngày hôm sau mang ánh sáng lại cho toàn cõi. Giáo hội đã ở giữa bối cảnh đó nên đã khéo léo chọn ngày 25/12 mang tính biểu tượng Chúa Giê-xu là Mặt Trời Công Chính mang ánh sáng và sự sống trong cho thế gian. Ý nghĩa thứ hai, lấy ngày 25/12 là nằm trong cuộc đấu tranh chống lại thần Mithras. Bây giờ La Mã tổ chức lễ này rất lớn, linh đình khắp phố. Như vậy, Giáo hội đã chốt luôn ngày đó để mừng Chúa Giê-xu, để chống lại thần ngoại giáo. Đây là một ngày mang tính “Cơ đốc hóa thế giới ngoại giáo”.
Chúng ta có thể tìm hiểu thêm về những phân đoạn Kinh Thánh mang hình bóng Chúa Giê-xu là Mặt Trời Công Chính (The Sun of Righteousness) như Ma-la-chi 4:2; Lu-ca 1:78-79; Khải huyền 12:1… và những bài giảng giải về chủ đề này.[8] Có thể thấy Đức Chúa Trời hiểu nỗi lòng Na-a-man (II Các Vua 5:1-19) khi phải sống giữa vòng ngoại giáo thể nào thì Ngài cũng như vậy cho Hội Thánh Ngài. Mặt khác biểu tượng xấu không phải chưa từng được sử dụng là biểu tượng chỉ về một điều gì đó liên quan đến Chúa như cùng một hình ảnh con rắn luôn chỉ về kẻ ác, nhưng con rắn cũng lại được Chúa sử dụng mang hình bóng chỉ về Đấng Christ, Đấng Yêu Thương, Tốt Lành thể hiện qua sự thương khó(Giăng 3:14), rõ ràng dù có nhiều lý giải hợp lý cho điều này nhưng Chúa không nhất thiết phải dùng hình ảnh con rắn, Ngài có thể dùng bất kỳ hình ảnh nào khác. Cùng một hình ảnh sư tử được ví cho ma quỷ, và cũng hình ảnh sư tử – nhưng là sư tử của chi phái Giu-đa để chỉ về Chúa Giê-xu. Và nếu mang một “suy nghĩ cực đoan” như những thành phần trên thì có lẽ chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra khi suy nghĩ về điều này.
Như vậy chúng ta không thấy có một chỗ nào mang tính “thờ thần tượng” hay có tín ngưỡng, thể hiện sự vui mừng với thần mặt trời hay thần ngoại giáo nào đó. Và thậm chí ngày nay, nếu không bị các tín đồ quá khích bắt bẻ thì thậm chí chúng ta không hề phải nhắc đến tên của mấy vị thần ngoại giáo đó. Chẳng có chút liên hệ nào, HOÀN TOÀN KHÔNG. Ngày hôm nay, mỗi lần đến đêm Giáng sinh, Hội Thánh Chúa lại được quây quần cùng nhau thờ phụng Chúa, ôn lại những bài học Ý nghĩa về Giáng sinh.
3. Điều thứ ba, về việc nói “Merry Christmas” là phạm thượng vì có nghĩa là “mừng ngày chết của Đấng Christ”. Mục sư David J. Meyer và những người có tư tưởng như vậy đã mắc một sai lầm lớn nhất là với bối cảnh chúng ta ngày nay. Sai lầm của họ bắt nguồn từ việc truy nguyên từ gốc Mass ( gốc ra từ Missa – La Tinh) được dùng trong nghi lễ bí tích thánh thể của người Công Giáo. Theo Catholic Encyclopedia, Từ Christmas trong tiếng Anh cổ là “Cristes Maesse”, với nghĩa là Ngày lễ của Đấng Christ, được tìm thấy lần đầu trong năm 1038, và “Cristes-Messe” vào năm 1131.[9] Tài liệu về “Merry Christmas” có lẽ gần đây nhất là xuất hiện vào ngày 22 tháng 12 năm 1534, trong bức thư Giám mục John Fisher gửi cho Thomas Cromwell xuất hiện lời chúc Giáng sinh có sử dụng từ “Merry Christmas”.[10]
Cũng theo Từ điển Công giáo “Mass” là một phức hợp giữa Lời Cầu nguyện và những nghi lễ cấu thành nên Bí tích thánh thể.[11] Nói một cách dễ hiểu là cách thực hiện thánh lễ Tiệc Thánh theo cách của người Công giáo nhắc lại về sự thương khó của Chúa Giê-xu. Và việc Chúa Giê-xu dâng thân thể mình làm của lễ chuộc nhiều người. Chúng ta biết rằng người Công giáo và một số ít hệ phái Tin lành ngày nay tin vào biến thể thuyết, còn người Tin lành thuần túy như chúng ta thì bánh, rượu nho chỉ mang tính biểu tượng. Tuy nhiên David J. Meyer đã dựa vào ý tưởng biến thể thuyết trong lễ Misa của người Công giáo và đã đi quá xa. Mục sư David J. Meyer cho rằng “Merry Christmas” là “Merry death of Christ!” (Mừng cái chết của Đấng Christ), với cách thực hiện của mỗi lần Misa, David J. Meyer cho rằng có nghĩa là mừng Chúa chết nhiều lần, hay giết Chúa chết nhiều lần và rồi có ông mập mạp tên Santa nào đó trong bộ áo màu đỏ vui vẻ cười và nói “Ho ho ho, Merry Christmas”, như thể chế giễu và cười nhạo về sư đau khổ và đổ huyết của Đấng Cứu Chuộc.[12] Tất nhiên quan điểm của David J. Meyer cũng gặp phải sự phản đối trong giới Cơ Đốc vì sự đi quá xa của ông. Và đây cũng không phải là quan điểm mới xuất hiện.
Chúng ta thấy rằng từ “Merry Christmas” nó đơn giản đã trở thành một giá trị, cái mà ta tạm gọi là cái thuộc “giá trị nhân loại” về một lời chúc Giáng sinh vui mừng chứ chẳng liên hệ gì đến Biến thể thuyết. Ngày nay nó được hiểu ngay là Lễ kỷ niệm mừng Chúa Giáng sinh (Chrismas) với nghĩa chung cho toàn cầu chứ không hiểu với nghĩa tách rời của từng từ nữa. Những người chưa tin Chúa hay kể cả là các tôn giáo khác họ cũng có thể xuống đường trong ngày kỷ niệm Chúa Giáng sinh nói “Merry Christmas” và cái nội tại của họ chẳng có cái gì liên hệ đến Biến thể thuyết hay mừng ngày Chúa chết cả. Vì vậy, chúng ta không thể lấy một phần của một từ trong thời xưa để bắt, ép ai phải hiểu về một từ mà nó đã được tạo mới, mang nghĩa hoàn toàn mới. Cũng như không thể dùng một thành tố của từ để phủ định hay làm thay đổi nghĩa của từ mới mà nó đã được đại chúng thừa nhận, sử dụng theo một cách khác. Chúng ta thấy đơn giản nó chỉ là một lời chúc mừng Giáng sinh. Mừng ngày Lễ của Đấng Christ (Merry Mass for Christ) ở đây là kỷ niệm Giáng sinh. Christmas đã vượt qua cách cấu tạo của từ và được dịch thẳng hay hiểu ngay là Giáng Sinh.
Trong cấu trúc của từ Tiếng Anh gồm: Ngữ âm học (Phonetics), Hình thái học (Morphology), Sự Cấu tạo từ và từ mới(Neologisms) trong đó cũng có những từ vay mượn.[13] Về mặt hình thái học tiếng Anh có sử dụng hình thái Latin và Hy Lạp nhưng điều đó chẳng có ý rằng nó luôn luôn phải được hiểu theo cách truy lui nguyên gốc. Như đã trình bầy, một trong những yếu tố để tạo ra một từ đó là nó phải có tính toàn dân, đại chúng, tính khoa học… được đại chúng quyết định, thừa nhận, sử dụng. Thậm chí là sự sử dụng rất tự nhiên. Vì vậy khi “Christmas” được thành hình và sử dụng cho ngày kỷ niệm mừng Chúa Giáng sinh thì nó đơn giản được hiểu với nghĩa mới này. Đó là “Giáng Sinh” và kéo theo đó là những câu chuyện liên quan đến sự sinh ra của Chúa. Chúa Giê-xu của chúng ta không phải là Đức Chúa Trời của sự bắt bẻ từ ngữ mà thậm chí Ngài không muốn con dân Chúa suy nghĩ đến vấn đề đó nhưng thực sự muốn con dân Chúa suy ngẫm xem với họ thì Chúa Giê-xu có ý nghĩa như thế nào với họ mỗi khi mùa Giáng sinh về?
Linh mục John Swencki cho biết “Mass” trong “Christmas” không có nghĩa là chết. Nó xuất phát từ những lời nói tất lễ của Linh Mục trong buổi lễ bằng chữ La Tinh “Ite, MISSA est” có nghĩa là “Go, you are sent / dismissed.” (Hãy đi, Ngươi được sai đi, cho đi). Từ “Missa” đã trở thành “Mass” và nó đề cập đến việc các tín hữu được tụ lại như những được sai đi. Linh mục Boniface Muggli cũng cho biết từ “Mass” Không có nghĩa là “chết”. Tiếng Latinh là “Missa”, cụm từ tất lễ “Ite, missa est.” trong cuốn Kinh cho lễ Misa bằng tiếng Anh năm 2010 dịch nó như sau “Go forth, the Mass is ended.” (Hãy đi, Thánh lễ đã kết thúc.” Nếu dịch theo nghĩa đen “Go, you are dismissed.” (Hãy đi, người được cho đi). Ông cho rằng “Mass” là thánh Lễ là sự tưởng nhớ và hiện diện lần nữa trong bí tích về sự hy sinh một lần cho tất cả mà Chúa Giê-xu đã ban qua lễ Tiệc thánh nhắc nhớ về sự thương khó của Ngài. Nó hoàn toàn không phải là giết chết Đấng Christ một lần nữa. Không ai nhìn vào một bức ảnh của người thân bị chết vì ung thư và được hiểu rằng mỗi lần nhìn hay tưởng nhớ là giết chết họ thêm một lần nữa. Thánh lễ không phải là về cái chết mà là về cuộc sống. Từ “Mass” có nghĩa là “gửi đi”. Giáo hoàng Benedict XVI nói đây được xem là bản chất truyền giáo của Giáo hội. Có thể nói các linh mục cho rằng trong các buổi Thánh lễ của Công giáo có sự tưởng nhớ đến sự thương khó, sự chết, sự phục sinh nhưng không có nghĩa là từ nguyên “Mass” chỉ về cái chết, hay giết chết Chúa thêm lần nữa [14]. Hội FCB (Foundation Church Baptist) cũng đồng quan điểm cho rằng từ “Mass” trong Christmas có gốc từ chữ “maesse” – một từ Anglo-Saxon, bắt nguồn từ chữ Latin “missa”, là một biến cách của động từ “mittere”, có nghĩa là “gửi đi, sai đi”. Họ cho rằng nó mang ý nghĩa căn bản là “Đấng Christ được sai đi, gửi đi” và không có nghĩa là “chết” hay ám chỉ đến việc Chúa chết, hay giết chết Chúa thêm lần nữa. [15]. Rõ ràng không ai lại đi lấy một nghi lễ thuộc niềm tin tôn giáo của người khác để định nghĩa một từ mới như “Christmas” và dịch nó sang nghĩa là “chết” mà bản thân nó không có nghĩa là “chết” rồi dùng nó để lên án các Cơ đốc nhân phạm thượng. Chúng ta phạm thượng chỉ vì một nghi lễ tôn giáo của người khác? Chúng ta phải hiểu lại từ ngữ của chúng ta chỉ vì nghi lễ tôn giáo của người khác? Chúng ta bị lên án chỉ vì sự suy diễn của người khác? Thật hài hước vì nó chẳng có tý sức nặng nào đối với tôi và mọi người. Hãy cứ tin và giữ quan điểm cho riêng mình và cứ sống với nó. Còn chúng ta không nên bận tâm vào điều này. Bạn có thể hỏi tôi về lên án và cáo tránh? Hãy cầu nguyện và Đức Thánh Linh sẽ cho chúng ta thấy sự cáo trách của Ngài thế nào, chúng ta ắt hẳn sẽ thấy bị cắn dứt lương tâm một cách dai dẳng vì cớ lỗi lầm mình. Nhưng trong chuyện này chúng ta thấy trước ánh mắt yêu thương của Chúa Giê-xu, chúng ta bình an. Và Đức Thánh Linh khuyên chúng ta ngay lập tức hay quên chuyện này mà hân hoan kỷ niệm mừng Chúa Giáng sinh cũng như sống vì Chúa. Đừng bận tâm đến chuyện “cơn bão trong một tách trà” thêm một chút nào nữa. Còn với những ai mà vì chuyện này mà cố reo sự tranh cạnh giữa vòng anh em thì phải hiểu rằng, đây là một trong những điều Chúa ghét và ghê tởm (Châm ngôn 6: 16-19).
MBS (Maranatha Baptist Seminary) cho biết ý nghĩa của một từ không nhất thiết phải được tìm thấy trong nguyên mẫu của nó. Như những người sống tại Green Bay Packer, họ cho biết từ “enthusiastic” (nhiệt tình) được ghép bởi từ “en” và “theos”. Như thế từ nguyên của nó là “ở trong Chúa” nhưng thực tế những người sống tại đây luôn sẵn sàng làm chứng rằng những người “enthusiastic” ở tại Green Bay Paker không phải là “ở trong Chúa”. Do đó từ “Christmas” ngày nay nếu đặt trong một từ điển, nó sẽ không nói gì về “mass” cả mà thay vào đó nó tuyên bố “Christmas” là sự cử hành kỷ niệm sự ra đời (Giáng sinh)của Chúa Giê-xu. Và khi chúng ta gặp ai đó trên đường và nói “Merry Christmas” họ sẽ chấp nhận đó là một lời chúc mừng Giáng Sinh. Còn nếu ai đó cố phải hiểu cho được đến cái chết của Chúa thì họ cho rằng đơn giản việc này sẽ được suy niệm đến việc Chúa sinh ra để chết thế thay nhân loại. Chúng ta vui mừng trong cái chết của Ngài vì Ngài đã không chết [phục sinh] và chúng ta được cứu. Điều này cũng dễ hiểu bởi chức vụ của Chúa Giê-xu bắt đầu với những lời của Giăng Báp-tít khi nói về Ngài: “Nầy là Chiên Con của Đức Chúa Trời”. Khi suy niệm Giáng sinh, giảng các bài giảng Giáng sinh, thì trong những bài giảng Giáng sinh đó cũng nói đến việc Ngài sinh ra để cứu chuộc, chết thế vì tội nhân để cứu chuộc. [16]. Như vậy chúng ta không lấy cái đang được mang ý nghĩa tốt lành của đại chúng để hiểu một cách không tốt lành, tiêu cực chỉ vì một vài ý kiến không tốt lành và vẫn còn gây tranh cãi của thiểu số những người suy nghĩ cực đoan. Hơn nữa giả sử từ “Merry Christmas” đang mang một nghĩa A xấu xa theo một ý kiến thiểu số nào đó thì sao chứ? Chúng ta [đại chúng] theo một cách nào đó sẽ biến nó thành từ tốt lành với nghĩa tốt lành, với lương tâm tốt lành, cho sự vinh hiển của Chúa, với lời Cầu nguyện trở nên mới cho bất kỳ từ ngữ nào. Quan trọng là cách tốt lành chúng ta dùng cho Chúa thể nào. Giống như cùng một ngày 25/12 từng dùng cho thần mặt trời [xấu] nhưng Chúa đã đánh bại “thần mặt trời bất khả chiến bại” qua sự khôn ngoan của các Cơ đốc nhân thế kỷ thứ 4 để cũng ngày 25/12 đó [xấu] trở thành ngày cho vinh quang Thiên Chúa [tốt]. Chúa không cần dân Chúa đổi ngày kỷ niệm cho Chúa nhưng là “đổi lòng” cho vinh viển của Chúa. Tất nhiên rằng chúng ta dùng từ “giả sử” ở trên và nó không có thật. Bởi vì từ Christmas không bao giờ được người ta hiểu là mang một nghĩa xấu xa nào đó.
Nói thêm về từ “Merry Christmas”, chúng ta nên tránh dùng một cách máy móc trong việc chúc phúc, gửi lời chào mỗi khi đến ngày lễ Giáng sinh. Vì phải chăng chúng ta không thể đứng lại trò chuyện lâu hơn. Hay viết những lời chúc Giáng sinh đầy đủ hơn, trân trọng hơn. Không phải người Việt Nam nào cũng nói “Merry Christmas” vào dịp Giáng sinh. Ở Mỹ, nhiều người dùng từ “Happy Holidays” trong tháng 12 và khi biết rõ ai là Cơ Đốc nhân họ sẽ nói “Merry Christmas” vì có những tôn giáo khác cử hành lễ trong tháng. Họ sẽ dùng khi đến ngày Giáng sinh, hoặc trong bữa tiệc Giáng sinh. [17] Thật hài hước khi từ “Merry Christmas” này lại được bàn ở Việt Nam mỗi khi Giáng sinh về. Đơn giản vấn đề “cơn bão trong một tách trà” này chỉ là do một vài tín đồ quá khích cố dịch các bài tiếng Anh sang tiếng Việt và áp vào bối cảnh Việt Nam nhưng họ chỉ đang tự làm bận rộn thêm cho bản thân mình.
Về việc đổi tên thành “Ngày mừng sinh nhật của Chúa Giê-xu” thay vì gọi như thường lệ, đây thực sự là quan điểm hạ thấp Chúa. Chúa Giê-xu là Đấng Thánh, là Đức Chúa Trời. Tất cả mọi người đều được sinh ra dưới đất này. Chỉ có Chúa Giê-xu là Giáng sinh, Giáng thế làm người, từ Trời xuống thế gian này. Vì vậy, khi nhắc đến Giáng sinh thì đã toát ra nội hàm quan trọng nhất của nó. Thay đổi tên gọi như trên thì chẳng khác nào cách mừng sinh nhật của một người phàm. Điều này là không thể trong hệ thống Cơ đốc giáo.
4.Tóm lại, qua những gì trình bầy, chúng ta không nên bận tâm đến những vấn đề như “cơn bão trong một tách trà”. Vì chẳng những ngày Giáng sinh, nhưng Phục sinh cũng bị đào xới với những nội dung khá giống như vậy. Chúng ta tin rằng Chúa không muốn cho con dân Ngài biết chính xác ngày Chúa Giáng sinh bởi vì Ngài muốn sự Giáng sinh cuả Ngài được các Cơ Đốc nhân suy niệm hàng ngày trong đời sống đạo, trong đời sống truyền giáo, đời sống chứng nhân. Giáng sinh sẽ được nhắc đến mỗi khi chúng ta cùng nhau làm chứng, cùng nhau rao báo Tin Lành. Ngày Giáng sinh mà mọi người tổ chức là sự nhấn mạnh về Chúa cách toàn cầu. Và với mỗi niềm tin trong hệ thống Cơ Đốc giáo thì tổ chức khác nhau như Công giáo và Tin lành tổ chức vào ngày 25 tháng Mười Hai. Chính Thống giáo tổ chức 7 tháng Giêng, người Ác-mê-ni (Armenians) tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng (hoặc ngày 18 tháng Giêng nếu họ ở trên Đất Thánh – Holy Land)[18]. Đối với việc tìm ngày Giáng sinh, hiện nay vẫn chỉ có lý luận không chắc chắn và không có đủ bằng chứng xác thực về ngày Chúa giáng sinh vì vậy toàn bộ những sự tranh cãi của các nhà nghiên cứu về ngày nay chỉ là tài liệu tham khảo. Quan trọng là Chúa đã Giáng sinh, Chúa là một nhân vật có thật trong lịch sử như Giáo sư Khảo cổ học và Do Thái học – Eric Meyers – của Đại học Duke cho biết tuy có rất nhiều tranh cãi xung quanh các dữ liệu về cuộc đời của Giê-su, nhưng “không có bất kỳ học giả nào thực sự nghi ngờ Giê-su không phải là một nhân vật lịch sử”.[19]
Những vấn đề “cơn bão trong một tách trà” chỉ là cách hiểu đi quá xa của một số ít người. Các Cơ Đốc nhân thờ Chúa hàng ngày và bất chấp ngày đó là ngày gì, trùng với lễ gì của người khác. Chúng ta nên trả lời cho những câu hỏi ý nghĩa về Giáng sinh hơn là những câu hỏi của “những cơn bão trong một tách trà”. Đây là những câu hỏi mà chúng ta nên trả lời. [20]
- Xem thêm:
– I. Howard Marshall, A.R. Millard, J.I. Packer, D.J. Wiseman, Thánh Kinh Tân Từ Điển, Ấn bản thứ ba, Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam – UUC.(NXB Hồng Đức, 2014), p346; p1827-1828. (H. Hoehner, Chronological Aspects of the Life of Christ, 1977; J.P. Meir, A Marginal Jew 1, 1991, p372-433)
– Xem thêm: CARM, “Christmas”, https://carm.org/dictionary-christmas (Myers, Allen C. The Eerdmans Bible Dictionary. Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1987.). CARM khẳng định không ai biết Chúa Giáng sinh tháng nào?
[2] Xem thêm:
– Joseph Castro, “When Was Jesus Born?”,Live Science, “https://www.livescience.com/42976-when-was-jesus-born.html”
– News cientist, “Dreaming of a hot Christmas”, https://www.newscientist.com/…/12/jesus-was-a-gemini.html
[3] Xem thêm:
– John J. Parsons, “Christmas Day – Was Jesus Really Born on December 25th?”, http://www.hebrew4christians.com/…/Chris…/christmas.html
– Bibleinfo, “When was Jesus Born?”, http://www.bibleinfo.com/en/questions/when-was-jesus-born
– United Church of God,”Biblical Evidence Shows Jesus Christ Wasn’t Born on Dec. 25″, https://www.ucg.org/…/biblical-evidence-shows-jesus…
– “When was Jesus Christ born?: Was Jesus born on December 25 – Christmas Day?”
https://www.ucg.org/…/when-was-jesus-christ-born-was…
[4] Xem thêm:
– John J. Parsons, “Christmas Day – Was Jesus Really Born on December 25th?”, http://www.hebrew4christians.com/…/Chris…/christmas.html
– Bodie Hodge, “The Origin of Christmas”, https://answersingenesis.org/…/the-origin-of-christmas
– Why Christmas, “Why is Christmas Day on the 25th December?”,
https://www.whychristmas.com/customs/25th.shtml
– BBC, “Chúa Giê Su ra đời vào ngày nào?”, http://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-42479337
– Bibleinfo, “When was-Jesus-Born”, http://www.bibleinfo.com/en/questions/when-was-jesus-born
– Associates for Scriptural Knowledge, “The Time of Jesus’ Birth”, http://www.askelm.com/star/star006.htm
– Platypus,”When Was Jesus Born? Zechariah’s Priestly Service,”
https://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:Nubl3Di9yaUJ:https://pursiful.com/2006/12/18/when-was-jesus-born-zechariahs-priestly-service/+&cd=1&hl=vi&ct=clnk&gl=vn
– Luzius Schneider, “Jesus’ Day of Birth” https://www.luziusschneider.com/Papers/JesusDateOfBirth.htm
– https://en.wikipedia.org/wiki/Christmas
[5] Xem thêm:
– như mục 4
[6] Xem thêm:
– Bodie Hodge, “The Origin of Christmas”, https://answersingenesis.org/…/the-origin-of-christmas
– James Bishop,”23 reasons why scholars know Jesus is not a copy of pagan religions”, https://jamesbishopblog.com/…/23-reasons-why-scholars…/
[7] Williston Walker, , Richard Norris, David Lotz, and Robert Handy. A History of the Christian Church. New York: Charles Scribner’s Sons, 1985. (Xin đọc cả chương 18, hoặc cả chương 13 để hiểu bối cảnh)
[8] Xem thêm:
– Ancient Faith Ministries, “Jesus – The Sun of Righteousness”, http://www.ancientfaith.com/…/jesus_-_the_sun_of…
– Tin lành cho Người Việt,
http://www.tinlanh.com/baihoc/ruto/ruto45.shtml “Khải-huyền 12:1: “Đoạn, trên trời hiện ra một dấu lớn: một người đờn bà có mặt trời bao bọc, dưới chơn có mặt trăng, và trên đầu có mão triều thiên bằng mười hai ngôi sao.” Mặt trời ở đây là nói đến Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ngài là mặt trời công bình. Chúng ta là phần còn sót lại bởi ân điển, được bao bọc bằng sự công bình của Ngài. Chúng ta có mão triều thiên bằng mười hai ngôi sao trên đầu, nghĩa là chúng ta sẽ cai trị cùng với Chúa Cứu Thế.”
– Abide in Christ,”The Sun of Righteousness”, http://www.abideinchrist.com/messages/mal4v1.html
– Got Questions, “What is the sun of righteousness (Malachi 4:2)?”, https://www.gotquestions.org/sun-of-righteousness.html
– Henry M. Morris,”The Sun Of Righteousness”, Institute for Creation Research, http://www.icr.org/article/sun-righteousness
[9]Catholic encyclopedia, “Christmas”, http://www.catholic.org/encyclopedia/view.php?id=2933
[10] The Anneboleyn Giles, “22 December 1534 – Bishop John Fisher’s letter to Cromwell”, https://www.theanneboleynfiles.com/22-december-1534…/
[11] Xem thêm:
– Catholic encyclopedia, “Liturgy of the Mass”, http://www.catholic.org/encyclopedia/view.php?id=7691
– Catholic encyclopedia, “Explanation of the Mass”, http://www.catholic.org/prayers/mass.php
– Catholic encyclopedia, “Sacrifice of the Mass”, http://www.catholic.org/encyclopedia/view.php?id=7695
– Công Giáo Info, “Thánh lễ Misa (Tạ ơn) quan trọng và cần thiết ra sao?”,
http://conggiao.info/thanh-le-misa-ta-on-quan-trong-va…
– Đoàn Quang, Tìm Hiểu Thánh Lễ Misa, http://tinmung.net/…/TaiLieu/Tim_hieu_Thanh_Le_Misa.doc
[12] Xem thêm:
– David J. Meyer, “The True Meaning Of Christ-Mass”, http://www.lasttrumpetministries.org/tracts/tract4.html
– Maranatha Baptist Seminary, “Christmas”, https://www.mbu.edu/seminary/sunesis/christmas/
[13] Words In English, http://www.ruf.rice.edu/~kemmer/Words04/structure/
[14] Xem thêm:
– Quora, “Does the word mass in Christmas means death as per Roman Catholics”, https://www.quora.com/Does-the-word-mass-in-Christmas…
– Catholic Forums, “Does the Mas in Christmas Mean Death?”,
https://forums.catholic.com/…/does-the-mas-in…/223419/3
[15] Foundation Church, “Merry Christmas More Than You Think”, http://foundationbaptist.ca/merry-christmas-more-than…/
[16] Maranatha Baptist Seminary, “Christmas”, https://www.mbu.edu/seminary/sunesis/christmas/
[17] Quora,”Why do people in the United States say “Happy Holidays” instead of “Merry Christmas” in December even though Christmas is the holiday the vast majority of people celebrate during that month?”,
https://www.quora.com/Why-do-people-in-the-United-States…
[18] Xem thêm:
– Luật Khoa, “Ngày sinh của Chúa Giê-su qua nhiều lăng kính”, https://www.luatkhoa.org/…/ngay-sinh-cua-chua-gie-su…/
– National Geographic, “What Archaeology Is Telling Us About the Real Jesus”, https://www.nationalgeographic.com/…/jesus-tomb…/
[19]Xem thêm:
-Luật Khoa, “Ngày sinh của Chúa Giê-su qua nhiều lăng kính”, https://www.luatkhoa.org/…/ngay-sinh-cua-chua-gie-su…/
– National Geographic, “What Archaeology Is Telling Us About the Real Jesus”, https://www.nationalgeographic.com/…/jesus-tomb…/
[20]Có tham khảo từ: Snowbird Wilderness Outfitters, “Merry Christmas, Remember Jesus”, https://www.swoutfitters.com/…/merry-christmas…/ ↩︎