Press ESC to close

Lịch Sử Hội Thánh Tin Lành Tại Việt Nam Trải Qua Các Thời Kỳ

Với bài viết nổi tiếng trong tờ tạp chí Word, Work and World như sau “Bán đảo Đông Dương đã bị rơi vào lãng quên từ lâu. Vương Quốc An Nam phải được trinh phục cho Chúa Giê-xu. Tại sao vương quốc này và Tây Tạng không được các Cơ Đốc Nhân coi đây là một trong những nơi đầu tiên của việc truyền bá Phúc Âm” – (“The Indochina Peninsula has fallen into oblivion for a long time. The Kingdom of Annam must be conquered for Jesus Christ. Why aren’t this kingdom and Tibet considered by Christian believers as one of the first areas of evangelization?”), A. B. Simpson đã đốt lên ngọn đuốc đầu tiên để hướng công tác truyền giáo đến với Việt Nam để rồi từ đó ảnh hưởng sâu rộng trên lịch sử hình thành Hội Thánh Tin Lành tại Việt Nam.

Có thể phân chia lịch sử Hội Thánh Tin Lành tại Việt Nam thành các giai đoạn chính:

– Trước 1911: Sơ khởi.

– 1911 tới 1927: Giai đoạn thiết lập nền móng

– 1927 tới 1941: Thành lập Giáo Hội bắt đầu truyền giáo

– 1941 tới 1954: Giai đoạn thử thách, bị cấm, bị bắt

– 1954 tới 1975: Nội chiến Việt Nam, Hội Thánh phát triển mạnh ở miền nam

– 1975 tới cuối những năm 1990: Kết thúc chiến tranh, giai đoạn thử thách thứ 2

– Từ những năm 2000 tới nay: Kế thừa, phát triển và thách thức.

Các diễn biến chính trong các giai đoạn lịch sử.

  • Những năm trước 1911 – Giai đoạn sơ khởi

Tiến sĩ W. M. Turnbull, Phó Hội trưởng Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đã nói rằng: Bất cứ nơi nào mà việc truyền giáo bị khóa chặt, nghĩa là một nơi chưa được nghe rao giảng Tin Lành của Đấng Christ, thì sẽ thấy giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đến đóng trại trước ngạch cửa để chờ đợi, hễ có cơ hội là bước vào, câu nói đó rất đúng với trường hợp nước Việt Nam.

Tại Đông Dương thuộc Pháp, Việt Nam là mục tiêu đầu tiên của Tiến sĩ A. B. Simpson ngay từ khi ông mới sáng lập Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp năm 1897. Các giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp ở miền nam Trung Hoa luôn luôn hướng tầm mắt vào Việt Nam.

Năm 1887, Tiến sĩ A. B. Simpson đã viết trong tờ tạp chí Word, Work and World như sau “Bán đảo Đông Dương đã bị rơi vào lãng quên từ lâu. Vương Quốc An Nam phải được trinh phục cho Chúa Giê-xu. Tại sao vương quốc này và Tây Tạng không được các Cơ Đốc Nhân coi đây là một trong những nơi đầu tiên của việc truyền bá Phúc Âm” – (“The Indochina Peninsula has fallen into oblivion for a long time. The Kingdom of Annam must be conquered for Jesus Christ. Why aren’t this kingdom and Tibet considered by Christian believers as one of the first areas of evangelization?”).

Mùa hè năm 1893, Tiến sĩ David Leclaccheuz, cộng sự viên của Tiến sĩ Simpson đến thăm Saigon. Khi trở về, ông đã tường trình và cho biết cánh cửa tại Việt Nam cũng như toàn xứ Đông Dương thuộc Pháp đã mở cho việc giảng Tin Lành. Qua năm sau, Tiến sĩ Simpson cho biết rằng Sudan, Tây Tạng và Việt Nam là ba địa hạt truyền giáo quan trọng chưa được khai thác để qui sự vinh hiển về cho Cứu Chúa.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1897 mới chỉ có một giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp được phép bước chân vào Đông Dương thuộc Pháp để thăm viếng và chỉ vỏn vẹn thăm viếng mà thôi, không được truyền giáo. Đó là Giáo sĩ C. H. Reeves, từ Long Châu vượt biên giới Hoa Việt vào miền Bắc rồi đến Lạng Sơn. Khi trở về, ông đã phúc trình với Giáo Hội: “Tôi được các sĩ quan và binh sĩ Pháp tiếp đãi rất lịch sự. Họ ở đây rất đông, nơi nào có độ một trăm người dân thì có một đồn lính. Trong suốt thời gian ở miền Bắc, tôi được các binh sĩ Việt Nam và Pháp hộ tống”.

Năm 1889, Giáo sĩ R. A. Jaffray tuy là tân Giáo sĩ ở miền nam Trung Hoa, nhưng lại đóng một vai trò rất đắc lực trong việc mở mang rao giảng Tin Lành tại Đông Dương. Giáo sĩ Jaffray cũng vượt biên giới Hoa Việt theo cách của Giáo sĩ Reeves, đi đường thủy theo sông Hồng Hà xuống tận thủ đô Hà Nội. Nhưng ông cũng chưa đặt được điểm tựa nào cho công việc truyền giáo. Năm 1901, ông về nghỉ hạn ở Mỹ, ông tìm gặp ông bà Lylvan Dayan người Gia Nã Đại (là tên Hán Việt của đất nước Canada) thuộc Pháp, với hi vọng đề cử ông bà này sang Việt Nam, vì người nói tiếng Pháp vào xứ thuộc Pháp dễ dàng hơn người nói tiếng Anh. Sau đó Hội Truyền giáo sai phái ông bà Dayan qua Việt Nam. Năm 1902, họ vào hải cảng Hải Phòng với kế hoạch nhằm mở một trụ sở giảng Tin Lành tại Bắc kỳ, nhưng vì tình thế chưa thuận tiện, năm sau họ phải trở lại Trung Hoa.

Vào năm 1905, tỉnh Long Châu, thuộc địa hạt Hoa Nam, được dùng làm trung tâm truyền giáo. Họ hi vọng trạm này có thể dùng làm bàn đạp để đưa Tin Lành vượt biên giới Hoa Việt vào miền bắc Việt Nam. Nhưng về sau Hội Truyền Giáo nhận thấy cách nầy chỉ có thể giảng Tin Lành cho những người di cư sang lập nghiệp ở Trung Hoa, chứ không giảng trực tiếp cho dân tộc Việt Nam được. Vả lại người Pháp cũng không thích để Hội Truyền Giáo đi vào cửa sau bằng cách ấy, nên họ đã cho phép giáo sĩ vào một trong các hải cảng lớn ở Việt Nam.

Đến mùa xuân năm 1911, các Giáo sĩ R. A. Jaffay, Paul M. Hosler và G. Lloyd Huglers đến hải cảng Tourane, ở Trung phần Việt Nam. Họ mua được một cơ sở ở góc đường Khải Định, số 66 và đường Nguyễn Hoàng, số 67 để làm trụ sở truyền giáo, đó là trụ sở đầu tiên của hội. Sau khi hoàn tất công tác, họ trở lại Trung Hoa. Giáo sĩ Jaffray không được phép làm giáo sĩ thường xuyên tại Việt Nam, Giáo sĩ Huglers được gọi về Nữu-ước (New York) để lãnh nhiệm vụ cao trọng hơn nên chỉ còn Giáo sĩ Hosler trở lại Đông Dương một mình. Ông khởi sự học tiếng Việt và đồng thời bắt đầu giảng Tin Lành.

  • Năm 1911 đến 1927 – Giai đoạn thiết lập nền móng

Cuối năm 1911, ông Hosler báo cáo đã có người tin Chúa và bằng lòng chịu phép báp têm. Về người Việt Nam được kể là đầu tiên tin Chúa, người ta tin đó là ông Nguyễn Văn Phúc, một nhân viên bán sách của Thánh Thơ Công Hội. Nhưng lại cũng có người cho rằng, đó là một người khác quê ở Hoà Mỹ (Đà Nẵng). Ông này sau khi tin Chúa cũng đã làm chứng cho một thầy phù thủy là ông Phạm Thành. Và ông Phạm Thành đã trở nên một Mục sư của Hội thánh.

Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, tháng 12 năm 1915, người Pháp ra lệnh “cấm mở thêm công cuộc truyền giáo giữa vòng người bản xứ”, đóng cửa tất cả các nhà nguyện và những cơ sở truyền giáo ngoại trừ cơ sở ở Tourane, và buộc những nhà truyền giáo có tên gốc Đức phải rời khỏi nước. Ông bà Hosler và một người tên A. H. Birkel bị buộc phải về nước, điều này cũng gieo rắc sự sợ hãi trong vòng dân chúng, khiến cho không ai dám đến giáo sở để hỏi đạo nữa.

Qua năm 1916, Giáo sĩ R. A. Jaffray, đại diện Hội Truyền Giáo vùng nam Trung Hoa và Đông Dương được quan Tổng Đốc Toàn Quyền hứa cho truyền giáo ở Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và ở miền Nam. Một số giáo sĩ khác được phép lần lượt đến Đà Nẵng cũng như Hà Nội. Nhưng mãi cho đến ngày đình chiến năm 1918, Hội Truyền giáo mới xem xét đến việc mở cửa lại các giáo sở cũ, cũng như mở thêm các giáo sở mới.

Chiến tranh thế giới thất nhất kết thúc năm 1918, sau đó hoạt động truyền giáo của Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp tại Việt Nam được dễ dàng hơn. Tuy nhiên Hội Truyền Gíao cũng cẩn thận khi gởi người qua Việt Nam. Những giáo sĩ có tên tiếng Đức bị trục xuất trước đây không được gởi trở lại Việt Nam nữa. 

Tháng 9. 1921, giáo sĩ D. I. Jeffrey mới mở một trường Kinh thánh chính thức thức tại Đà Nẵng, theo khuôn mẫu của trường Thần đạo Nyack thuộc Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp tại Nữu Ước (Mỹ). Chương trình này nhằm đạo tạo những người hầu việc Chúa, đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong tương lai của Hội thánh.

Sau 16 năm hoạt động, kết quả đầu tiên gặt hái được vào tháng 3 năm 1927: 74 Hội thánh với 4.236 tín đồ rải rác từ miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam và Cao Miên đã kết hợp với nhau thành Hội Tin Lành Đông Pháp (Evangelical Church of French Indochina).

  •  Năm 1927 tới 1941 – Bị cấm đoán và thành lập Giáo Hội bắt đầu truyền giáo

Sau 16 năm khai khẩn và gieo giống, tháng 3 năm 1927, các giáo đoàn Tin Lành rải rác ở Bắc kỳ, Trung kỳ, và Nam kỳ tập hợp thành một đoàn thể quốc gia với tên chính thức là Hội Tin Lành Đông Pháp. Vào năm 1936, khi nội quy của Hội thánh được tu chính lần đầu tiên, danh hiệu được thay đổi là Hội Tin Lành Việt Nam Đông Pháp. Sau đệ nhị thế chiến, danh từ Đông Pháp được bỏ đi. Cũng nên chú ý rằng ngay từ đầu, các tín hữu Việt Nam với tinh thần tự lập rất cao, thay vì dùng tên chung là Hội Phúc Âm Liên Hiệp như các quốc gia khác, đã dùng danh xưng là Hội Thánh Tin Lành (Evangelical Church).

Bắt đầu từ năm 1924, mỗi năm đều có Hội đồng tại Tourane để khuyến khích, giúp đỡ sự tăng trưởng thuộc linh của các tín đồ và tôi tớ Chúa người Việt Nam. Năm 1927, Hội đồng cũng nhóm họp ở Tourane từ ngày 5 đến ngày 13 tháng 3 với lớp mãn khoá đầu tiên của Trường Kinh Thánh Tourane (Đà Nẵng). Hội đồng này đã quyết định kết hợp các Hội thánh ở miền Bắc, Trung, Nam và Cao Miên như trên. Có 50 đại biểu, trong đó có 4 chấp sự, đại diện cho 7 Hội thánh tự trị tự lập và 60 Hội thánh chi nhánh. Các đại biểu bàn luận việc soạn thảo nội qui, nâng cao cương vị của Giáo hội, tìm cách để chính quyền thừa nhận. Cùng với 70 người tham dự cả nam lẫn nữ, các đại biểu đã dâng một số tiền tổng cộng là 148 đồng 80 xu cho các chi phí của Hội đồng. Hội đồng cũng quyết định kêu gọi các Hội thánh địa phương dâng hiến 5.000 đồng để xây cất cư xá cho các sinh viên và các cơ sở khác của Trường Kinh Thánh Tourane. Ban chấp hành lâm thời, nhiệm kỳ một năm, gồm Mục sư Hoàng Trọng Thừa, Hội trưởng; Mục sư Trần Dỉnh, Phó Hội trưởng, Mục sư Dương Nhữ Tiếp, Thơ ký; Ông Trần Thành Long, Thủ quỷ; và Mục sư Lê Văn Long, hội viên. Hội đồng cũng đề cử một ban để hoạt động chung với Ban truyền giáo của Giáo hội C&MA, ban truyền giáo này gồm có các Giáo sĩ J. D. Olsen, E. F. Irwin, W. C. Cadman, D. I. Jeffrey và I. R. Stebbins (thân phụ của Giáo sĩ Thomas Stebbins, Tôn Thất Bình).

Bản Điều lệ được thông qua năm 1928 quy định cơ cấu tổ chức, chính sách, thể thức cho giáo hội, nhấn mạnh đến các lẽ đạo tái sinh, thánh hóa, chữa bệnh, và sự tái lâm của Chúa Giê-xu. Bốn lẽ đạo này được thể hiện trên biểu tượng của Hội thánh Tin Lành Việt Nam qua hình ảnh của thập tự giá, chim bồ câu, chiếc bình, mão miện, được khắc trong con dấu chính thức của Hội thánh Tin Lành Việt Nam trong mọi cấp và mọi ngành cho đến ngày nay. Điều lệ cũng quy định hệ thống tổ chức của Hội thánh có ba cấp: Hội thánh địa phương, Địa hạt Liên hội, và Tổng Liên hội. Mỗi hội thánh địa phương có quyền đầy đủ để tự điều hành như mời quản nhiệm, bầu cử ban chấp sự, xử lý các thuộc viên, tạo lập và sử dụng ngân quỹ để cấp dưỡng cho quản nhiệm, chi tiêu cho các dự án địa phương cũng như đóng góp cho địa hạt và tổng liên hội. Địa hạt liên hội tập hợp các hội thánh địa phương trong một khu vực, mỗi năm tổ chức một kỳ hội đồng quy tụ những đại biểu được các hội thánh địa phương bầu chọn để “cai trị và dự phần công việc của Hội thánh trong địa hạt riêng mình, quyết định những vấn đề liên quan tới lợi ích chung của cả hạt.” Hội đồng cũng bầu cử chức vụ Chủ nhiệm và Ban Trị sự Địa hạt. Quyền tối hậu của Hội thánh Tin Lành thuộc về toàn thể tín hữu, được ủy thác cho các đại biểu mà họ lựa chọn giữa vòng các thuộc viên hội thánh địa phương để tham dự hội đồng chung (thường được gọi là Hội đồng Tổng Liên hội). Hội đồng Tổng Liên hội được xem là nhánh lập pháp của giáo hội, trong khi quyền hành pháp được trao cho Ban Trị sự Tổng Liên hội, đứng đầu là Hội trưởng. Hội đồng bầu Mục sư Hoàng Trọng Thừa vào chức vụ Hội trưởng.

Trong thập niên 1920, các hoạt động truyền bá Tin Lành bị hạn chế và cấm đoán vì Triều Đình Việt Nam và chính quyền người Pháp công nhận chỉ có Giáo Hội Công Giáo mới có quyền giảng đạo ở Việt Nam mà thôi. Các giám mục, linh mục, giáo chức thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã là những người duy nhất được giảng dạy. Tôn giáo mới (Tin Lành) và Đạo Cao Đài ở miền Nam phải bị cấm tỏ tường không được truyền giảng hoặc lưu hành. Thông tri này cùng các biện pháp cấm đạo như bắt giữ một số mục sư, truyền đạo, đe dọa các tín hữu và buộc họ đốt bỏ Kinh Thánh xảy ra tại một số địa phương đã làm dấy lên phản ứng của cộng đồng Kháng Cách Pháp tại nước Pháp và Đông Dương. Tháng 1, 1929, những nhà lãnh đạo Tin Lành Pháp gởi kháng thư cho Toàn quyền Pierre Pasquier khi ông mới nhậm chức, đồng thời Liên minh Tin Lành Pháp đưa vấn đề này ra trước Hạ viện. Từ thập niên 1930 trở đi, các biện pháp hạn chế và cấm đoán dần dần được gỡ bỏ, mặc dù dưới sự cai trị của Pháp và triều đình Huế, Hội thánh Tin Lành Việt Nam chưa bao giờ được dành những quyền của một đoàn thể tôn giáo quốc gia như Công giáo Rô-ma được hưởng từ năm 1884.

Từ năm 1928 đã đạt được một sự đồng thuận giữa Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp và Hội thánh Tin Lành Việt Nam về định hướng phát triển giáo hội trên nguyên tắc: tự lập, tự trị, và tự truyền bá, tập chú vào nỗ lực chung giúp hội thánh bản địa trở nên một giáo hội độc lập trong thời gian sớm nhất. Phù hợp với truyền thống Kháng Cách – dành một vị trí quan trọng và tích cực cho tín hữu trong mọi lãnh vực hoạt động của giáo hội – tín hữu Tin Lành thường chủ động trong nỗ lực thành lập và phát triển giáo đoàn, đóng góp tiền bạc và nhân lực để xây dựng lễ đường và các cơ sở vật chất cho hội thánh địa phương. Năm 1926, tại Mỹ Tho, một nhà thờ đã được xây dựng hoàn toàn bởi sáng kiến và sự đóng góp tài lực và nhân lực của tín hữu, từ đó khởi phát một khuynh hướng lành mạnh trong các giáo đoàn trên khắp đất nước. Thể chế dân chủ cũng được ấn định trong bản Điều lệ năm 1928 thể hiện nguyên tắc tự trị, theo đó quyền tự trị được chia sẻ bởi tất cả thuộc viên hội thánh địa phương đã chịu lễ báp têm, cũng như các đại biểu của họ khi tham dự những hội đồng cấp địa hạt và cấp tổng liên hội.

  • Năm 1954 tới 1975 – Nội chiến Việt Nam, Hội Thánh phát triển mạnh ở miền Nam

Sau trận chiến ở Điện Biên Phủ và việc ký hiệp định Genève, Việt Nam bị chia ra làm hai miền từ năm 1954. Hội thánh Tin Lành Việt Nam cũng bị phân chia thành 2 tổ chức, ở miền Bắc và ở miền Nam.

Giáo hội miền Bắc được đổi tên là “Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Bắc” gồm vài ngàn tín đồ với hai chục hội thánh, 13 mục sư và truyền đạo. Giáo hội miền Nam vẩn giữ danh hiệu Hội Thánh Tin Lành Việt Nam vì trên 90 phần trăm tín hữu ở trong Nam. Tại miền Bắc, do phần lớn tín đồ và chức sắc di cư vào miền Nam nên các hoạt động có phần chững lại. Vào thời điểm 1975, chỉ có khoảng hơn 1500 tín hữu với 14 chi hội tại 9 tỉnh, thành ở miền Bắc.

Vào năm 1962, Địa hạt miền Trung được chia ra làm Bắc Trung phần trụ sở ở Đà Nẵng và Nam Trung phần trụ sở ở Nha Trang. Đến năm 1969 Địa hạt miền Nam được chia ra làm Đông Nam phần với văn phòng ở Sài Gòn và Tây Nam phần ở Vĩnh Long.

Năm 1960, Địa hạt Thượng du được thành lập để cung ứng nhu cầu đặc biệt cho đồng bào thiểu số.

Tại miền Nam một hình ảnh thường thấy vào thời ấy là một truyền đạo, được trang bị Kinh Thánh và Tân Ước, vài trăm truyền đạo đơn cùng chiếc xe đạp, đèn dầu, đôi khi có máy phóng thanh chạy bằng pin, với sự hỗ trợ của 4 hoặc 5 thanh niên, có thể thu hút những đám đông đến lắng nghe thông điệp Cơ Đốc từ đêm này qua đêm khác tại những địa điểm công cộng như chợ hoặc các hội trường tại các làng, xã lớn

Theo thống kê năm 1971, tổng cộng Giáo Hội có 6 cô nhi viện và một nhà dành cho quả phụ. Thành lập Đoàn Tuyên úy với Mục sư Tuyên úy Đoàn Mười là vị sĩ quan đầu tiên. Thành lập trường học cho đồng bào thiểu số và sau này các Hội thánh lớn như Khánh hội, Sài gòn cùng mở các trường trung học, trường Ánh Sáng là trường thành công nhất ở Đà Nẵng dùng cơ sở củ của Trường Kinh Thánh. Sau đó có trường dạy nghề Tuyên Đức. Vào năm 1957, Hội Đồng cũng quyết định mở một bệnh viện Tin Lành ở Saigon. Dự án này không thực hiện được. Tuy vậy Mục sư Phạm Xuân Tín, với sự giúp đỡ của Hội Mennonite, đã mở một Chẩn Y Viện Tin Lành ở Nha Trang vào ngày 9 tháng 7 năm 1961. Sau đó một Trại dưỡng bệnh và một Trường đào tạo y tá được thêm vào. Vào năm 1965, Bệnh viện Tin Lành Pleiku được mở ra với sự tài trợ của Hội Mennonite. Cũng nên biết rằng Trại cùi Tin Lành Ban-Mê-Thuột đã được thiết lập vào năm 1951, Chẩn Y Viện Đà Lạt đã hoạt động trước đó cũng được bành trướng vào năm 1954.

Báo chí được sử dụng cho mục tiêu bồi linh và phổ truyền đức tin cũng được giáo hội quan tâm: Thánh Kinh báo (về sau đổi tên thành Thánh Kinh Nguyệt san) là tờ báo đầu tiên của Tin Lành Việt Nam, phát hành từ tháng 1 năm 1931. Ngoại trừ một thời gian bị đình bản do chiến tranh (1945 -1950), tờ báo phát hành hàng tháng cho đến tháng 4 năm 1975.

  • Năm 1975 tới 1990 – Kết thúc chiến tranh, giai đoạn thử thách thứ 2.

Từ sau năm 1975, Hội thánh Tin Lành ở miền Bắc chỉ hoạt động cầm chừng, lại bị lâm vào khủng hoảng vì thiếu nhân sự kế thừa.

Tại miền Nam, Hội thánh Tin Lành chưa được nhà nước Việt Nam công nhận. Hội đồng Tổng Liên hội lần thứ 42 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6 năm 1976 bầu Mục sư Ông Văn Huyên vào chức vụ Hội trưởng, ông tiếp tục lãnh đạo giáo hội cho đến khi từ trần trong tháng 7 năm 1999.

Năm 1992-94, chính phủ Việt Nam cho phép nhập 33.000 Kinh Thánh và 20.000 Thánh ca, rồi cấp phép ấn hành 85.000 quyển Kinh Thánh toàn bộ (Cựu Ước và Tân Ước), 65.000 Kinh Thánh Tân Ước, 25.000 Thánh ca, và 120.000 quyển Truyện tích Kinh Thánh.


Bài viết tổng hợp từ quyển Bốn mươi sáu năm chức vụ, hồi ký của Mục sư Lê Văn Thái, Wikipedia Việt Nam, cùng nhiều nguồn khác.

Loading