Press ESC to close

Phúc Âm là gì?

Tin Lành là gì?

Nhiều Cơ Đốc Nhân, hội thánh và các tổ chức mục vụ thường xuyên sử dụng từ Phúc Âm để mô tả niềm tin của họ. Những tranh luận thần học đã xảy ra về ý nghĩa của Phúc Âm và diễn giả nào giảng phúc âm một cách trung thực. Từ quen thuộc Phúc Âm có nghĩa là gì? Cách tốt nhất để trả lời câu hỏi đó là quay về với Kinh Thánh.

Trong Tân Ước tiếng Hy Lạp, danh từ euangelion (“Phúc Âm”) xuất hiện chỉ hơn bảy mươi lần. Vì, theo một nghĩa nào đó, toàn bộ Tân Ước là về Phúc Âm, chúng ta có thể đã mong rằng từ này được sử dụng thường xuyên hơn. Thậm chí đáng ngạc nhiên hơn, việc sử dụng từ này rất khác nhau giữa các tác giả Tân Ước. Phao-lô sử dụng từ này thường xuyên gấp ba lần so với tất cả các tác giả khác cộng lại. Hầu hết các sử dụng khác được tìm thấy trong Ma-thi-ơ và Mác, với rất ít, nếu có, trong Lu-ca, Giăng, Phi-e-rơ và Gia-cơ.

Từ Phúc Âm đơn giản nhất có nghĩa là “Tin Mừng”. Từ này không phải dành riêng cho thông điệp Cơ Đốc Giáo, nó cũng được sử dụng trong thế giới ngoại giáo để chỉ một thông báo tốt lành. Trong Tân Ước, từ này đề cập đến Tin Mừng về Chúa Jesus là Đấng Cứu Rỗi. Thông thường, nó được sử dụng với giả định rằng người đọc biết được ý nghĩa của từ đó.

Khi chúng ta xem xét kỹ hơn cách thức từ Phúc Âm được sử dụng trong Tân Ước, chúng ta thấy có một số điểm được thể hiện rõ ràng.

  1. Đầu tiên, chúng ta thường thấy cụm từ “Phúc Âm của Đức Chúa Trời”. Cụm từ này nhấn mạnh nguồn gốc của Phúc Âm là món quà từ Đức Chúa Trời. Phúc Âm có nguồn gốc thiêng liêng, không phải từ con người.
  2. Thứ hai, đặc tính của Phúc Âm được xác định theo nhiều cách: Phúc Âm là chân chính (Ga-la-ti 2:5, 14Cô-lô-se 1:5), ân điển (Công vụ 20:24) và vinh quang (2 Cô-rinh-tô 4:41 Ti-mô-thê 1:11).
  3. Thứ ba, chúng ta thấy hai phản ứng đối với phúc âm. Đáp ứng chính là đức tin (Công vụ 15:7Ê-phê-sô 1:13). Nhưng vâng lời cũng là một đáp ứng (1 Phi-e-rơ 4:7 ; Rô-ma 1:5; 10:16; 16:262 Tê-sa-lô-ni-ca 1:8). (Việc Phao-lô sử dụng ý về sự vâng phục đức tin trong sách Rô-ma có một yếu tố cứng rắn khi ông đáp lại những người đã cáo buộc ông theo chủ nghĩa chống luật pháp, là đi ngược lại luật pháp.)
  4. Thứ tư, chúng ta thấy một số kết quả của Phúc Âm. Tất nhiên, Phúc Âm mang đến sự cứu rỗi (Rô-ma 1:16Ê-phê-sô 1:13). Nó cũng mang đến vương quốc thiên đàng (Ma-thi-ơ 4:23; 9:35, 24:14). Nó gợi lên hy vọng trong dân sự của Đức Chúa Trời (Cô-lô-se 1:23). Phúc Âm cũng là một động lực để nên thánh (Mác 8:35; 10:292 Cô-rinh-tô 9:13Ê-phê-sô 6:15Phi-líp 1:27

Tất cả những cách sử dụng này củ từ Phúc âm đều chỉ ra nội dung của nó, nhưng cũng có những đoạn trong Tân Ước nói rõ ràng về nội dung của nó. Khi xem xét những bản văn này, chúng ta khám phá ra rằng đôi khi từ Phúc Âm ám chỉ một cách rộng rãi đến mọi khía cạnh của sự cứu rỗi và sự sống mới mà Chúa Jesus ban cho dân Ngài, và đôi khi nó được dùng theo nghĩa hẹp để ám chỉ những gì Chúa Jesus làm cho chúng ta bên ngoài chúng ta. Nói cách khác, đôi khi thuật ngữ Phúc Âm đề cập rộng rãi đến công tác xưng công chính và nên thánh của Chúa Jesus cho dân sự của Ngài, và đôi khi nó đề cập hẹp đến công tác xưng công chính của Chúa Jesus. Một cách khác để diễn tả sự khác biệt này là đôi khi từ Phúc Âm ám chỉ một cách rộng rãi tất cả sự ứng nghiệm của Tân Ước đối với những gì đã được hứa trong Cựu Ước, và đôi khi thuật ngữ Phúc Âm được sử dụng trong phạm vi hẹp về việc Chúa Jesus làm trái ngược với việc chúng ta làm theo Luật Pháp.

Một ví dụ về ý nghĩa rộng hơn của từ Phúc Âm có thể được nhìn thấy trong Mác 1:1, “Khởi đầu Tin Lành (Phúc Âm) của Đức Chúa Jêsus Christ, Con Đức Chúa Trời.” Việc sử dụng từ Phúc Âm này dường như đề cập đến mọi điều mà Mác nói với chúng ta về sự giảng dạy và công việc của Chúa Jesus. Chúng ta thấy một cách sử dụng rộng khác trong Khải Huyền 14:6–7:

Rồi tôi thấy một thiên sứ khác bay giữa bầu trời, có Tin Lành (Phúc Âm) đời đời để công bố cho dân cư trên đất, cho tất cả các nước, các bộ tộc, các thứ tiếng, các dân tộc. Thiên sứ nói lớn rằng: “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến. Hãy thờ phượng Đấng tạo dựng trời, đất, biển và các nguồn nước.”

Ở đây Phúc Âm là lời kêu gọi ăn năn và thờ phượng Đức Chúa Trời.

Thường xuyên hơn, thuật ngữ Phúc Âm được sử dụng hẹp và nội dung của nó được xác định. Chúng ta thấy điều này trong 1 Cô-rinh-tô 15:1–4:

Thưa anh em, tôi muốn nhắc lại cho anh em Tin Lành tôi đã rao giảng và anh em đã tiếp nhận, cũng như đang đứng vững trong đó. Nhờ Tin Lành ấy, anh em được cứu rỗi nếu anh em giữ vững điều tôi đã rao giảng; bằng không, anh em có tin cũng vô ích. Tôi đã truyền lại cho anh em điều quan trọng nhất mà tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh. Ngài đã bị chôn; đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại theo lời Kinh Thánh.

Ở đây, Phúc Âm là sứ điệp về sự chết cứu rỗi và sự phục sinh của Chúa Jesus.

Nguồn gốc của Phúc Âm là món quà của Đức Chúa Trời. Phúc Âm có nguồn gốc thiêng liêng, không phải từ con người.

Ở một nơi khác, Phao-lô viết về “Phúc Âm vinh quang của Đức Chúa Trời hạnh phước, mà ta đã được giao phó,” và ông nêu rõ Phúc Âm đó là gì:

Lời chắc chắn và hoàn toàn đáng tiếp nhận: Đấng Christ Jesus đã đến trong thế gian để cứu vớt tội nhân; trong những tội nhân đó, ta là người đứng đầu. Sở dĩ ta nhận được ơn thương xót là để Đấng Christ Jesus tỏ bày sự nhẫn nhục trọn vẹn của Ngài đối với ta, là tội nhân hàng đầu, dùng ta làm gương cho những ai sẽ tin Ngài để được sự sống đời đời. (1 Ti-mô-thê 1:11, 15–16)

Ở đây, Phúc Âm là công việc cứu rỗi của Đấng Christ cho những người tội lỗi.

Phao-lô viết tương tự trong 2 Ti-mô-thê:

Vậy, con chớ hổ thẹn khi làm chứng về Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn về ta, người tù của Ngài; nhưng hãy cậy quyền năng Đức Chúa Trời, cùng ta chịu khổ vì Tin Lành (Phúc Âm). Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bằng sự kêu gọi thánh, không phải do việc làm của chúng ta, nhưng theo mục đích riêng của Ngài và ân điển mà Ngài ban cho chúng ta từ muôn đời trước trong Đấng Christ Jêsus. Ân điển ấy bây giờ mới được thể hiện qua sự hiện đến của Đấng Christ Jesus, Cứu Chúa chúng ta, Đấng đã tiêu diệt sự chết, dùng Tin Lành làm sáng tỏ sự sống và sự bất diệt…. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Jêsus Christ thuộc dòng dõi Đa-vít, Ngài đã sống lại từ cõi chết theo như Tin Lành mà ta rao giảng. (2 Ti-mô-thê 1:8–10; 2:8)

Việc sử dụng từ Phúc Âm hẹp này rất phổ biến trong các tác phẩm của các nhà cải chánh trong thế kỷ 16. Chúng ta có thể thấy điều này trong suy nghĩ của John Calvin:

Lời đức tin được đặt theo phép hoán dụ [sử dụng tên của khái niệm này nói về một khái niệm khác mà nó có liên quan] cho lời hứa, tức là cho chính Tin Mừng, vì nó liên quan đến đức tin. Cần phải hiểu sự tương phản giữa luật pháp và Phúc Âm, và từ sự khác biệt này, chúng ta vạch ra rằng, cũng như luật pháp đòi hỏi phải có việc làm, Phúc Âm chỉ yêu cầu con người phải mang đức tin để nhận được ân điển của Đức Chúa Trời.

Nó cũng rõ ràng trong Zacharias Ursinus. Gần đầu bài chú giải về Giáo lý Heidelberg, Ursinus chia tất cả giáo lý thành luật pháp và Phúc Âm:

Tín lý của Hội thánh bao gồm hai phần: Luật pháp và Phúc âm; trong đó chúng ta đã hiểu được tổng thể và nội dung của Kinh thánh. Luật pháp được gọi là Mười Điều Răn, và Phúc Âm là tín lý liên quan đến Đấng Christ là Đấng Trung Bảo, và tha tội miễn phí, qua đức tin.

Những suy ngẫm như vậy về Phúc Âm vẫn còn phổ biến trong thần học Cải Chánh, như chúng ta thấy từ câu trích dẫn dài và hấp dẫn này của nhà thần học vĩ đại người Hà Lan Herman Bavinck:

Nhưng lời của Đức Chúa Trời, vừa là luật pháp vừa là Phúc Âm, là sự mặc khải ý muốn của Ngài, là sự công bố giao ước việc làm và giao ước ân điển…. Mặc dù theo nghĩa rộng, hai thuật ngữ “luật pháp” và “phúc âm” thực sự có thể được sử dụng để thể hiện giao ước cũ và giao ước mới ân sủng, theo ý nghĩa thực tế của chúng, chúng mô tả rõ ràng hai sự mặc khải cơ bản khác nhau về ý muốn thiêng liêng [Bavinck ở đây trích dẫn nhiều bản văn gốc của Tân Ước]. . . . Trong bản văn này, luật pháp và phúc âm tương phản nhau như là yêu cầu và quà tặng, như là mệnh lệnh và lời hứa, như là tội lỗi và ân điển, như là bệnh tật và sự chữa lành, như là sự chết và sự sống . . . Luật pháp xuất phát từ sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, phúc âm đến từ ân điển của Đức Chúa Trời; luật pháp được biết đến từ thiên nhiên, phúc âm chỉ từ sự mặc khải đặc biệt; luật pháp đòi hỏi sự công bình hoàn hảo, nhưng phúc âm ban cho điều đó; luật pháp dẫn con người đến sự sống đời đời bằng việc làm, và Phúc Âm sản sinh những việc lành từ kho tàng sự sống đời đời được ban cho bởi đức tin; luật pháp hiện nay lên án con người, và phúc âm tha bổng họ; luật pháp hướng tới tất cả mọi người, và phúc âm chỉ dành cho những người sống trong tầm nghe của nó.

Sự trình bày này về phúc âm thật rõ ràng, khác biệt, theo Kinh thánh và quý giá biết dường nào.

Hội thánh cần rao giảng Phúc Âm theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp của nó. Từ Phúc Âm trong tiếng Hy Ngữ đã mang lại cho thế giới nói tiếng Anh từ truyền giáo (evangelism). Truyền giáo thật sự, theo Đại Mạng Lệnh do Chúa Jesus ban ra trong Ma-Thi-ơ 28:18–20, là về môn đồ hóa: thứ nhất, theo nghĩa hẹp là kêu gọi những người nam nữ tin Chúa Jesus, và thứ hai, theo nghĩa rộng là dạy họ tuân giữ mọi điều Chúa Jesus đã dạy. Vì lợi ích của Phúc Âm, tất cả chúng ta hãy thúc đẩy truyền giáo chân chính.

By W. Robert Godfrey from Ligoner

Loading