Press ESC to close

Hỗ Trợ Mục Sư của Bạn

The Bible Friend (Vol. 75, No. 8), Minneapolis, MN

Chúng ta hãy cũng bắt đầu với phân đoạn Kinh Thánh Rô-ma 1:8-12. Phao-lô nói với hội thánh: “Trước hết, tôi nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, vì hết thảy anh em mà tạ ơn Đức Chúa Trời tôi về đức tin anh em đã đồn khắp cả thế gian. Vì Đức Chúa Trời mà tôi lấy tâm thần hầu việc, bởi sự giảng Tin lành của Con Ngài, làm chứng cho tôi rằng tôi nhắc đến anh em không thôi trong mọi khi tôi cầu nguyện, thường xin Đức Chúa Trời, bởi ý muốn Ngài, sau lại có thể gặp dịp tiện đi đến nơi anh em. Thật vậy, tôi rất mong mỏi đến thăm anh em, đặng thông đồng sự ban cho thiêng liêng cùng anh em, hầu cho anh em được vững vàng, tức là tôi ở giữa anh em, để chúng ta cùng nhau giục lòng mạnh mẽ bởi đức tin chung của chúng ta, nghĩa là của anh em và của tôi.”

Tôi muốn cùng thảo luận về trách nhiệm hỗ trợ cho mục sư của chúng ta. Chúng ta đã nhiều lần nghe rằng tất cả các Cơ-đốc nhân đều là những người phục vụ, như trong Ê-phê-sô 4:12. Ở các lớp học Trường Chúa Nhật, chúng ta nhấn mạnh về nhu cầu cần thiết phải cầu nguyện cho nhau và cùng khích lệ đức tin lẫn nhau, nhưng tôi cho rằng chúng ta thường hay quên mục sư cũng là một trong số chúng ta. Vì thế tôi muốn nhắc lại tại sao chúng ta cần phải hỗ trợ cho mục sư của mình, chúng ta có thể làm tốt hơn như thế nào, và chúng ta có thể mong đợi đạt kết quả gì.

Trước tiên, tại sao chúng ta phải chăm sóc cho mục sư của mình? Lý do vì ông cũng là con người và là một anh em đồng đức tin như chúng ta. Là con người, ông cũng dễ bị cám dỗ như bất kỳ ai trong chúng ta. Đức tin không tự nhiên đến với ông chỉ bởi ông là một mục sư. Đối với ông, việc trở nên một người tràn đầy hi vọng và tình yêu thương cũng không dễ dàng hơn chúng ta. Nguồn năng lực để đương đầu trong cuộc chiến đức tin của ông không mạnh mẽ hơn chúng ta. Ông là một trong số chúng ta.

Hơn thế nữa, những gánh nặng đặc biệt của sự kêu gọi trên ông đòi hỏi chúng ta phải trung tín hỗ trợ ông; chẳng hạn như, gánh nặng của những công tác hành chính qua việc đảm nhiệm hàng trăm chi tiết. Hầu hết những điều này chúng ta thậm chí chưa bao giờ nhận thức được. Sau đó là gánh nặng của việc nghe và truyền tải thông điệp của Đức Chúa Trời hết tuần này sang tuần khác. Đừng bao giờ nghĩ rằng những thông điệp này dễ dàng đến với một mục sư. Nếu họ nhất quán với Kinh thánh, họ cần phải làm việc rất nhiều. Nhiều nước mắt đã tuôn đổ suốt những buổi học để soạn bài giảng nhưng kết quả không như mong đợi. Nếu chúng ta cảm thấy khô khan về mặt thuộc linh, chúng ta có thể không đi nhóm hoặc đi nhóm để được làm tươi mới lại, nhưng một mục sư có thể đi đâu?

Và họ còn gánh nặng cưu mang dân sự trở nên giống Chúa Jesus và trở nên ánh sáng của thế gian. Phao-lô nói trong Ga-la-ti (4:19): “ta lại chịu đau đớn của sự sanh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con!” Không có gì đè nặng lên tấm lòng của một mục sư hơn là khi dân sự của ông không lớn lên trong đức tin, tình yêu thương và sự ngay thẳng.

Tất cả các bạn có thể thêm vào danh sách những áp lực mục sư phải gánh nhưng bây giờ chúng ta hãy xem xét cách có thể hỗ trơ mục sư của mình như thế nào.

Cách tốt nhất để mang lấy gánh nặng của mục sư là trở thành một Cơ-đốc nhân. Phao-lô nói trong Phi-líp 2:2-3: “anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn. Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.” Nói cách khác, không có gì có thể làm tươi mới mục sư của chúng ta bằng việc hội chúng trở nên giống như Đấng Christ khiêm nhường, đầy lòng yêu thương. Phao-lô nói với hội thánh Rô-ma: “tôi rất mong mỏi đến thăm anh em … để chúng ta cùng nhau giục lòng mạnh mẽ bởi đức tin chung của chúng ta.” (1:11-12). Đức tin của chúng ta là một nguồn khích lệ lớn lao cho mục sư của mình. Vì vậy, hãy là một người có đức tin.

Bên cạnh đó, tôi có ba gợi ý cụ thể về những điều chúng ta có thể dự phần để nâng đỡ mục sư của mình và giúp chức vụ của ông càng kết quả.

1) Mỗi ngày hãy cầu nguyện cho ông. Hãy giữ nó trong trí bằng cách viết nó ra. Và đừng chỉ nói, “Chúa ban phước cho mục sư.” Hãy cụ thể. Cầu nguyện cho sức khỏe, bài giảng, gia đình của ông, những lần ông đi thăm viếng, những sai sót và điểm yếu của ông. Hãy đặt mình vào vị trí của ông và cố gắng đồng cảm khi bạn cầu nguyện.

2) Thứ hai, hãy cố gắng nói lời động viên ân cần. Hãy viết cho ông một ghi chú trên thẻ đăng ký, thỉnh thoảng gửi thư đến nhà ông; gọi điện thoại cho ông. Thỉnh thoảng hãy gặp ông một mình, nhìn thẳng vào ông và nói, “Tôi trân trọng chức vụ của ông, mục sư, và tôi đang cầu nguyện cho ông mỗi ngày.” Đừng thỏa mãn với những lời nói tẻ nhạt tại cửa nhà thờ sau những giờ thờ phượng ngày Chúa Nhật.

3) Thứ ba, hãy khuyên nhủ ông trong tinh thần tha thứ. Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ nói chuyện với bất cứ ai hoàn toàn hài lòng với mục sư của mình. Có một lý do rất đơn giản: Tất cả mọi người đều không hoàn hảo. Một số người dường như không bao giờ học được điều này và họ nhảy từ nhà thờ này sang nhà thờ khác để tìm kiếm một mục sư hoàn hảo. Điều đó thật vô vọng. Tốt hơn hết là tìm một hội thánh khiến bạn cảm thấy như nhà mình và xem đó như trách nhiệm suốt đời để giúp mục sư kết quả. Mọi người đều muốn thay đổi điều gì đó về mục sư của mình, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta đã tận tâm để cầu nguyện tha thiết về điều đó? Và có bao nhiêu người đã ngồi lại với ông với tinh thần khiêm nhường, tha thứ để khuyên ông thay đổi? Nếu chúng ta yêu thương ông, chúng ta sẽ làm điều đó… và ông không có gì đáng sợ để phải tránh nói chuyện.

Đó chỉ là một số phương cách để hỗ trợ mục sư của mình. Bạn có thể nghĩ thêm những cách khác nữa.

Câu hỏi cuối cùng tôi đặt ra là, chúng ta có thể hy vọng sự quan tâm của chúng ta đem lại kết quả gì? Nói ngắn gọn, chúng ta có thể hy vọng ông ấy sẽ được làm mới lại, tràn đầy hy vọng và được tiếp thêm sinh lực. Như vậy, sự quan tâm của chúng ta đối với ông ấy sẽ trở lại với chúng ta như một chiếc boomerang và sẽ hình thành một hội chúng tươi mới, tràn đầy hy vọng và được tiếp thêm sinh lực. Khi đó, thế gian sẽ biết rằng Đấng Christ có thật và đang hành động giữa chúng ta.

By John Piper from Desiring God


John Piper (@JohnPiper) is founder and teacher of desiringGod.org and chancellor of Bethlehem College and Seminary. For 33 years, he served as pastor of Bethlehem Baptist Church, Minneapolis, Minnesota. He is author of more than 50 books, including Desiring God: Meditations of a Christian Hedonist and most recently Foundations for Lifelong Learning: Education in Serious Joy.

Loading