Phụ nữ bắt đầu là mục sư cách phổ biến vào khoản cuối thế ký thứ 19. Giai đoạn này, nhiều phụ nữ trẻ được tiếp nhận vào trường đại học, và nhu cầu thay thế các vị trí của nam giới càng lớn sau cả hai cuộc Chiến Tranh Thế Giới. Vào đầu thế kỷ thứ 20, các hội thánh tại Mỹ phải vật lộn với 2 vấn đề vô cùng nhức nhối: thần học tự do cấp tiến và những đòi hỏi nữ quyền và quyền bình đẳng của phụ nữ. Nhiều nhà Tin Lành đã đáp lại những thử thách này bằng khẳng định kiên quyết sự soi dẫn và tính không sai lầm của Kinh Thánh. Cũng có nhiều người đã bị thuyết phục đòi hỏi quyền bình đẳng của phụ nữ trong tất cả mục vụ của hội thánh.1
Cho đến hôm nay, chủ đề người nữ có được là mục sư hay không vẫn luôn nóng bỏng và cần soi sáng bởi dưới sự hướng dẫn của Thánh Kinh.
Nhận biết về giá trị
Đức Chúa Trời dựng nên người nam và người nữ có cùng giá trị như nhau, vì cả người nam và người nữ được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sáng 1:26-28). Giá trị của người nam và người nữ được hình thành theo giá trị trong mắt Đức Chúa Trời, Ngài yêu quý họ. Người nam và nữ đều có giá trị thuộc linh như nhau và cả hai đều nhận được cùng những ân tứ thuộc linh. Trong Ga-la-ti 3:28 và 1 Cô-rinh-tô 12:7 bày tỏ không còn phân biệt phái tính nam hay nữ, và ân tứ thuộc linh đều được ban cho mỗi người tuỳ theo ơn của Đức Thánh Linh, đầy tớ trai cũng như đầy tớ gái.
Như vậy, khi cả người nam và người nữ đều có giá trị như nhau, đều nhận được ân tứ thuộc linh thì vì sao người nữ không là mục sư? Cùng có giá trị như nhau, không có nghĩa là hoàn toàn giống nhau mọi lĩnh vực mà không có sự khác biệt. Dù người nam và người nữ có giá trị như nhau trong mắt Chúa, nhưng Ngài thiết kế họ vai trò khác nhau trong gia đình và hội thánh cho sự vinh hiển của Ngài. Vai trò không phải là giá trị, giá trị được quyết định bởi Đức Chúa Trời.
Người nam và người nữ được hoạch định khác nhau về vai trò
Đức Chúa Trời đã tạo dựng muôn vật với những vai trò khác nhau. Trong trật tự sáng tạo của Đức Chúa Trời, Ngài đã chọn người nam là người lãnh đạo có trách nhiệm quản trị tạo vật, gia đình và hội thánh.
Bởi sự ban cho của Đức Chúa Trời, chúng ta thấy ngày nay có nhiều người nữ rất thành công trong hầu hết mọi lĩnh vực. Có thể nói, sau phong trào “quyền bình đẳng nữ giới”, người nữ ngày càng thể hiện năng lực và chỗ đứng ở mọi vị trí của nhà nước, xã hội, tập đoàn công ty. Trong mục vụ cơ đốc, người nữ cũng có những thành công phi thường. Tuy nhiên, điều này không thể thay thế ý định của Đức Chúa Trời về vai trò của người nam và người nữ giữa vòng hội thánh. Hội thánh là hội thánh của Đức Chúa Trời, không phải là tổ chức xã hội, nên Ngài toàn quyền thiết lập luật định trong hội thánh.
Dù người nam và người nữ có giá trị như nhau trong mắt Chúa, nhưng Ngài thiết kế họ vai trò khác nhau trong gia đình và hội thánh cho sự vinh hiển của Ngài. Vai trò không phải là giá trị, giá trị được quyết định bởi Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời đã xây dựng vai trò khác nhau trong cơ cấu nam nữ trong chính sự sáng tạo ban đầu. Chúa dựng nên A-đam (người nam) là đầu, người lãnh đạo, có thẩm quyền và Ê-va (người nữ) là người giúp đỡ phù hợp cho người nam (Sáng 2:18; 1 Cor 11:3,7-9). Người nam và người nữ đầu tiên đã thất bại phạm tội cùng Đức Chúa Trời, tội lỗi đã làm cho vai trò khác biệt này bị ảnh hưởng, dù vậy đây chính là khuôn mẫu mọi thời đại vì nó là trật tự sáng tạo của Đức Chúa Trời.
“Đấng Christ là đầu của người nam, người nam là đầu của người nữ, và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ.” 1 Cor 11:3
Vai trò này cũng được ban hành chính yếu trong chính gia đình và hội thánh. Lời Kinh Thánh đưa ra vai trò rõ ràng người nam sẽ là đầu vợ, nghĩa là lãnh đạo, dẫn dắt vợ trong tình yêu thương như Đấng Christ yêu thương hội thánh; còn người vợ sẽ thuận phục trước vai trò lãnh đạo của chồng mình trong gia đình (Ê-phê-sô 5:22-23). Trong hội thánh, chỉ có người nam được hoạch định để giảng dạy và thực hiện thẩm quyền trên hội thánh (thẩm quyền của mục sư) (1 Cô-rinh-tô 14:34; 1 Ti-mô-thê 2:12).
Giới hạn rõ ràng dành cho người nữ trong hội thánh
Người nữ có được là mục sư hay không? Kinh Thánh 1 Ti-mô-thê 2:11-14 trả lời trực tiếp cho chủ đề này “Phụ nữ hãy học trong yên lặng và thuận phục hoàn toàn. Ta không cho phép đàn bà dạy dỗ hay cầm quyền trên đàn ông, nhưng phải yên lặng, vì A-đam được dựng nên trước rồi mới đến Ê-va; và không phải A-đam bị lừa gạt, nhưng người đàn bà bị lừa gạt và phạm tội.”. Xét về bối cảnh, lời phán dặn này đang nói về hội thánh khi nhóm nhau lại. Phao-lô nói về người nữ không được “dạy dỗ hay cầm quyền” trên người nam trong hội thánh. Chức năng dạy dỗ và cầm quyền là chức năng chính của mục sư, được chỉ định cho người nam. Chức năng chăn bày, dạy dỗ được dành riêng cho các trưởng lão, và Phao-lô ngăn cấm người nữ trong hội thánh nắm giữ chức năng và vai trò này.
Điểm quan trọng cần được chú ý khi từ ‘trưởng lão’ được dùng trong Kinh Thánh. Trong nguyên ngữ Hy-lạp, từ trưởng lão được dùng là πρεσβύτερος – presbuteros, đề cập là giống đực (người nam), không phải giống cái (người nữ). Tân Ước cụ thể đề cập vai trò trưởng lão, mục sư nói về người nam. Cụm từ ‘trưởng lão’ giống cái, presbyteras, không bao giờ xuất hiện trong Kinh Thánh. Không phải tất cả các trưởng lão đều là mục sư, nhưng mục sư phải là trưởng lão.
Trở lại ý nghĩa của các câu Kinh Thánh trên, có vài phản đối được đưa ra để chống lại vị trí được chỉ định này:
- Vài người giải nghĩa phân đoạn trên chỉ áp dụng cho một trường hợp cụ thể Phao-lô đang giải quyết vấn đề dị giáo được những người nữ giảng dạy trong hội thánh. Sự giải thích này rất yếu ớt vì 1 Ti-mô-thê không có chỗ nào đề cập đến việc những người nữ dạy tà giáo trong hội thánh, đây chỉ có thể là suy diễn chủ quan. Hơn nữa, chính ý nghĩa của câu Kinh Thánh cũng rất rõ ràng, Phao-lô không chỉ đơn giản nói họ im lặng, nhưng không được phép dạy và cầm quyền trên đàn ông. Ông có giải thích lí do không liên hệ gì đến tà giáo, nhưng chỉ về trật tự sáng tạo: Chúa dựng nên A-đam trước rồi mới đến Ê-va. Đây chính là trật tự sáng tạo trước khi con người sa ngã; chính vì vậy nó không chỉ áp dụng cho cụ thể hội thánh Ê-phê-sô nhưng cho tất cả hội thánh, ở tất cả các thời đại.
- Một ý kiến khác cho rằng Phao-lô chỉ đưa ra lời ngăn cấm này vì những người nữ thời bấy giờ không được giáo dục tốt, nên người nữ không được giảng dạy và giữ vai trò lãnh đạo trong hội thánh. Tuy nhiên, Phao-lô chẳng bao giờ cho rằng không được giáo dục tốt là nguyên nhân, nhưng ông chỉ ra về trật tự sáng tạo (câu 13,14). Thật chẳng đúng đắn chút nào khi dùng lập luận dựa trên một lí do mà Phao-lô chẳng hề đưa ra để lập luận cho nguyên nhân ông đưa ra.
Tác giả Grudem, W. A đã giải thích thêm bối xã hội trong thế kỷ đầu tiên trong sách Systematic theology: an introduction to biblical doctrine khá rõ ràng.
Sự phản đối này hiểu sai thực tế về hội thánh thời kỳ đầu tiên và thế giới cổ thời đó. Đào tạo Kinh Thánh chính quy để trờ thành lãnh đạo hội thánh không được yêu cầu trong hội thánh Tân Ước, vì chính các sứ đồ cũng không được đào tạo chính quy về Kinh Thánh (Công vụ 4:13). Mặc khác, kỹ năng đọc viết khá căn bản trong xã hội vì vậy việc đọc và nghiên cứu Kinh Thánh đều khả thi với người nam và người nữ (chú ý Công vụ 18:26; Rô-ma 16:1; 1 Ti-mô-thê 2:11; Tít 2:3 -4). Có rất nhiều phụ nữ học thức cao trong thế giới cổ đại, đặc biệt là một trong tâm văn hoá thế giới như thành phố Ê-phê-sô. 2
Phẩm chất của mục sư/ trưởng lão/ giám mục chỉ được đáp ứng đúng đắn cho nam giới
Quản trị gia đình (1 Ti-mô-thê 3:4)
Tân ước thường xuyên đưa ra sự kết nối giữa đời sống hội thánh và đời sống gia đình. Phao-lô nói “Nếu một người không biết quản lý gia đình mình, thì làm sao chăm sóc Hội thánh của Đức Chúa Trời?” (1 Ti-mô-thê 3:5). Có phải vai trò quản trị, dẫn dắt gia đình được dành người nữ? Không, vai trò này được chỉ định cho những người nam (Ê-phê-sô 5:22-23). Cách thích hợp nhất là những người nam hoàn tất được trách nhiệm với gia đình và hoàn tất trách nhiệm với hội thánh. Nếu người nữ là mục sư hội thánh, thì trong bối cảnh này người nữ đó phải thực hiện vai trò lãnh đạo, quản trị gia đình mình. Điều này đi ngược lại với ý định của Đức Chúa Trời. Người nữ không được chỉ định trở thành lãnh đạo gia đình và cũng không lãnh đạo hội thánh, vì Chúa thiết kế vai trò này cho người nam.
Chồng của một vợ
Không có một cách thức nào người nữ có thể hoàn tất được tiêu chuẩn “chồng của một vợ”. Vì Đức Chúa Trời không bao giờ thiết kế người nữ là mục sư của hội thánh, nên Lời Ngài tại đây buộc chặt cách rõ ràng việc đó không thể xảy ra. Tôi không thể hình dung được bằng cách nào mà người nữ mục sư là “chồng của một vợ”.
Có khả năng dạy dỗ
Trưởng lão là người có trách nhiệm dạy dỗ trong hội thánh, vì vậy yêu cầu dành là họ phải có khả năng dạy dỗ. Khi người nữ giữ vai trò mục sư trong hội thánh, người ấy phải thực hiện trách nhiệm dạy dỗ trong hội thánh; điều này lại đi ngược với 1 Ti-mô-thê 2:12. Kinh Thánh không thể có mâu thuẫn trong chính Lời Kinh Thánh.
Những điều này có nghĩa là người nữ không thể là mục sư hoặc trưởng lão theo như sự hoạch định của Đức Chúa Trời trong hội thánh. Trong sách Practical wisdom for pastors: words of encouragement and counsel for a lifetime of ministry, Thomas đã đưa ra điểm rõ ràng “Đức Chúa Trời chưa bao giờ gọi người nữ trở thành mục sư trong hội thánh, và Ngài sẽ không bao giờ làm như vậy. Tôi có thể nói điều nầy một cách dứt khoát vì Lời Ngài nói rằng điều nầy không được xảy ra; nó không phải là thiết kế của Ngài dành cho hội thánh”3. Người nữ nên thực hành những những ân tứ Chúa ban để xây dựng thân thể của Đấng Christ, là những ân tứ có thể thực hiện nhiều mục vụ khả thi khác nhau. Tuy nhiên, người nữ không nên tìm kiếm việc dạy dỗ và thực hành thẩm quyền trên hội thánh trong vai trò mục sư.
- Pierce, R. W., & Groothuis, R. M. (2005). Discovering biblical equality : complementarity without hierarchy (p. 39). Downers Grove, Ill: InterVarsity Press. ↩︎
- Grudem, W. A. (1994). Systematic theology : an introduction to biblical doctrine (p. 938). Leicester, England; Grand Rapids, Mich.: Inter-Varsity Press; Zondervan Pub. House. ↩︎
- Thomas, C. C. (2001). Practical wisdom for pastors: words of encouragement and counsel for a lifetime of ministry (p. 216). Wheaton, Ill.: Crossway Books. ↩︎