Press ESC to close

Chúng Ta Chăn Bày Tốt Hơn Khi Chăn Bày Cùng Nhau

Những Phương Cách Trọng Yếu Để Xây Dựng Một Đội Ngũ Khỏe Mạnh

Chắc chắn không thể phủ nhận một trong những công việc tuyệt vời của Đức Thánh Linh trong thời các sứ đồ là Ngài đã tập hợp một đội ngũ lãnh đạo hội thánh đầu tiên là những con người từng bối rối, “không có học thức, bình thường” (Mác 8:14-21; Công vụ 4:13). Chúng ta có thể học được điều gì từ họ khi tìm cách xây dựng những đội ngũ lãnh đạo khỏe mạnh trong hội thánh của mình?

Quan sát kỹ lưỡng tấm gương và những chỉ dẫn của họ sẽ giúp chúng ta tìm được một vài phương cách trọng yếu để xây dựng đội ngũ những người chăn bày khỏe mạnh.

Làm Rõ Kỳ Vọng và Vai Trò

Trước hết, các sứ đồ hiểu rõ những kỳ vọng của họ khi làm việc nhóm. Chúa Jesus truyền lệnh họ phải trở nên chứng nhân cho Ngài (Công vụ 1:8). Họ hiểu mình không được ưu tiên những công việc phục vụ bàn tiệc, nhưng phải chuyên tâm giảng dạy, cầu nguyện và chăn bày (Công vụ 6:2-4; I Phi-e-rơ 5:1-4).

Về các vai trò khác nhau trong nhóm, chúng tôi không cần nhiều giúp đỡ, vì tự bản thân công việc đã mang tính chỉ dẫn. Nhưng chúng tôi nhìn thấy ở nhiều nơi Đức Chúa Trời trang bị cho các nhà lãnh đạo trở nên kết quả hơn trong những lĩnh vực cụ thể (I Cô-rinh-tô 12:4-11; Ê-phê-sô 4:11). Do đó, việc xác định rõ ràng những kỳ vọng của từng người lãnh đạo và vai trò của người đó là ích lợi (và có thể rất quan trọng). Ở đây chúng ta có thể thêm vào là cần phải nêu rõ các mốc thời gian. Trong thời đại với tần suất luân chuyển cao như hiện nay, con người thường có xu hướng chuyển từ vai trò này đến vai trò khác nhanh hơn chúng ta mong đợi. Tôi được biết một vị mục sư đã khiến một cộng sự cùng làm việc được một năm trong công tác xây dựng hội thánh ngạc nhiên thế nào khi ông cho biết mình hi vọng sẽ mở thêm một hội thánh nữa vào năm sau.

Về các mục tiêu, có một số mục sư thường chú trọng đến những con số. Một số khác thì tập trung vào việc giảng dạy giữa hội chúng mà không chú trọng vào công tác chăn bày cá nhân. Tôi lại biết có người chỉ muốn giảng dạy nhiều thêm mà không muốn can dự vào công tác quản trị. Và có một số người khác thì cho rằng anh ấy và đồng nghiệp có thể cùng làm mục sư cộng tác mở hội thánh với nhau trong khi những người khác nữa thì nghĩ mình có thể phục vụ như là mục sư quản nhiệm.

Hãy cùng cầu nguyện cách thành thật và rõ ràng về những gì được kỳ vọng ở nhau và xác định trong khoảng thời gian bao lâu. Tương tác quá mức tốt hơn là thiếu tương tác.

Đảm Bảo Thống Nhất Về Giáo Lý

Các sứ đồ rao giảng một phúc âm rất cụ thể (Công vụ 2:14-41). Phao-lô cảnh báo các trưởng lão tại hội thánh Ê-phê-sô cần phải “giữ lấy mình, và luôn cả bầy” bởi các giáo sư giả đang trà trộn vào hội thánh (Công vụ 20:28-30). Sự trừng phạt rõ ràng về a-na-them (dứt phép thông công) dành cho những ai giảng dạy một tin lành khác (Ga-la-ti 1:9). “Vì biết ta đã tin Đấng nào” (II Ti-mô-thê 1:12), Phao-lô viết, và mỗi thành viên trong đội ngũ mục vụ cũng phải như vậy.

Bạn có thể giữ sự hiệp nhất về giáo lý và thực hành bằng cách đặt ra những câu hỏi chất lượng trước và soạn các tài liệu trả lời cho các câu hỏi đó. Là hội thánh, chúng ta sẽ có tuyên ngôn đức tin nào? Bạn sẽ áp dụng tuyên ngôn đức tin của trưởng lão? Nếu vậy, thì sẽ bao gồm những điều gì và sẽ loại ra những điều gì? Nếu không, bạn sẽ cần phải có nhiều cuộc thảo luận liên tục về giáo lý và đạo đức để làm sáng tỏ và đi đến thống nhất.  

Về triết lý của mục vụ, bạn sẽ giải quyết tư cách thành viên của hội thánh như thế nào? Bạn sẽ thờ phượng như thế nào? Bạn sẽ giảng những bài giảng theo lối giải thích bảo thủ, những bài giảng về đề tài, hay thể loại nào khác? Bạn sẽ là hội thánh theo hướng trưởng lão lãnh đạo hay trưởng lão cai trị? Bạn sẽ thực hiện nghi lễ báp têm như thế nào? Bạn sẽ áp dụng phương thức kỷ luật để giúp hội thánh phục hồi, mục vụ trẻ em, mục vụ thanh niên, và các nhóm cộng đồng ra sao? Mỗi người trong nhóm sẽ được nhận thù lao bao nhiêu?

Có thể bạn sẽ không đồng ý hết tất cả những triết lý, nhưng bạn phải được đồng thuận đủ để tiếp tục tiến về phía trước. Hãy cũng nhau chia sẻ những quyển sách, tin tức, và bài báo như thế này, và cùng nhau bàn về chúng. Đừng cho rằng mỗi người lãnh đạo sẽ giống với người mà bạn đã biết cách đây ba năm.

“Một nền văn hóa cạnh tranh bị dập tắt giữa một nền văn hóa khích lệ”

Tại hội thánh chúng tôi, các trưởng lão có bảng tuyên xưng đức tin chặt chẽ hơn tuyên xưng đức tin của các thành viên vì công việc của chức vụ trưởng lão có ý nghĩa quan trọng (Gia-cơ 3:1). Chúng tôi cũng đặt các câu hỏi cho những trưởng lão tương lai của hội thánh liên quan đến mục vụ triết lý của hội thánh. Điều cuối cùng, mỗi trưởng lão trong nhóm chúng tôi thường xuyên trả lời bảng câu hỏi có-không để khẳng định những cam kết về giáo lý của họ không thay đổi. Thay vì giả định rằng họ đồng ý, thì hãy khiêm nhường theo đuổi sự sáng tỏ này mà vẫn hiệp nhất với nhau.

Theo Đuổi Tinh Thần Khiêm Nhường

Các môn đồ đã nhận được một bài học khó và sâu sắc khi họ bị bắt gặp đang tranh luận ai là người lớn nhất: “Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm rốt hết và làm tôi tớ mọi người” (Mác 9:35). Một trong những cách tốt nhất để nắm chặt nguyên tắc này là nhớ thêm lời khuyên của người Chăn bày trưởng: “Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình?” (Ma-thi-ơ 7:3).

Các sứ đồ cũng đeo đuổi tinh thần khiêm nhường bằng cách nhớ rằng họ là những con người đang ở dưới thẩm quyền. Chúng ta có thể chắc chắn về việc họ trở nên hiệp một qua cách họ cầu nguyện (Công vụ 1:14). Ngoài ra, hãy nhớ Phi-e-rơ đã nhanh chóng bảo Cọt-nây đứng dậy khi ông cúi lạy trước mặt Phi-e-rơ: “Ngươi hãy đứng dậy, chính ta cũng chỉ là người mà thôi” (Công vụ 10:25-26). 

Ngay cả khi có thể bị cám dỗ không chịu chia sẻ thẩm quyền của mình, họ dường như mong muốn thay thế vị trí sứ đồ của Giu-đa đã bỏ Chúa bằng Giúc-tu hoặc Ma-thia, với những yêu cầu cụ thể về tinh thần hiệp một (Công vụ 1:21-23). Tương tự như vậy, họ vui mừng trao cho Phao-lô và Ba-na-ba “tay hữu giao kết với chúng tôi” (Ga-la-ti 2:9).

Lời khuyên nhủ của Phao-lô trong Phi-líp 2:1-4, ông kêu gọi hội thánh hãy có đồng một tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng của các sứ đồ. Nếu chúng ta hỏi, “Làm sao các nhóm của chúng tôi có được sự hiệp một đó?” thì câu trả lời của Phao-lô là, “Khiêm nhường – coi người khác như tôn trọng hơn mình.”

Thật dễ dàng nhìn thấy vấn đề của một trưởng lão khác và than phiền về điều đó. Nhưng để thấy được cây đà trong mắt chính mình thì lại là một việc khó hơn nhiều. Hơn nữa, việc cám dỗ được xem như một người vĩ đại nhất rất mạnh và khó lay chuyển. Do vậy, nếu bạn đang trong quá trình kinh nghiệm sự hiệp một trong công tác lãnh đạo và một mục vụ kết quả, hãy cố gắng (cá nhân lẫn tập thể) theo đuổi tinh thần khiêm nhường và học tôn trọng những ân tứ và đặc điểm riêng của nhau.

Mỗi ngày hãy cầu xin Chúa cho bạn thấy tội lỗi của bản thân. Hàng ngày hãy làm chết chúng. Từng ngày xin Chúa giúp bạn nhìn thấy những điều tốt và những ơn của các người lãnh đạo cùng làm việc. Hãy thú nhận những sự kiêu ngạo và tham lam cùng nhau, và tha thứ như bạn đã được tha thứ. Hãy theo đuổi tinh thần khiêm nhường, và vui thích khi bạn có một đội nhóm cùng tư tưởng, cùng tình yêu thương, và cùng sự vui mừng đời đời.

Phát Triển Văn Hóa Khích Lệ

Một cách khác nữa để làm vững mạnh nhóm lãnh đạo của bạn là phải tôn trọng và khích lệ lẫn nhau. Lời khuyên này được chép nhiều nơi trong Kinh Thánh (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11; Hê-bơ-rơ 10:25). Phao-lô khuyên chúng ta phải cạnh tranh cách thánh sạch “lấy lẽ kính nhường nhau” (Rô-ma 12:10).

Chúng ta thấy bài tập này được minh họa qua cách các sứ đồ đề cập đến Si-la và Ba-na-ba trong lá thư gửi cho Dân ngoại được chép trong Công vụ 15:25-26. Họ mở đầu bằng cách gọi hai ông là “kẻ yêu dấu của chúng ta là Ba-na-ba và Phao-lô.” Sau đó, trước hội thánh họ đã khen ngợi hai ông vì đã mạo hiểm dấn thân cho Đấng Christ. Thử nghĩ xem hai ông được khích lệ như thế nào khi thấy các sứ đồ và trưởng lão giới thiệu một cách triều mến và cởi mở đến như vậy. Chúng ta có thể áp dụng tương tự như vậy với nhóm của mình.

Tôi có mở một hội thánh cùng với một anh em, và chúng tôi thống nhất rằng anh ấy sẽ giảng ít hơn và phục vụ nhiều hơn trong những lĩnh vực khác. Tôi biết điều này có vẻ sẽ khiến tôi trở nên quan trọng hơn anh ấy. Nhưng tôi còn nhận thấy thêm một điều nữa. Nếu không có anh ấy, thì không chỉ hội thánh của chúng tôi sẽ bị đánh đắm, mà gia đình tôi và cá nhân tôi cũng vậy. Do đó, tôi đã khích lệ anh ấy trước hội chúng. Tôi nói về những bài giảng đầy ơn của anh ấy. Tôi khiến mọi người chú ý đến những công việc thầm lặng mà anh ấy đang làm. Anh ấy cũng đối xử tương tự với tôi như vậy. Gần 15 năm sau đó, văn hóa này mới bắt đầu được lan ra. Chúng tôi bắt đầu các buổi họp trưởng lão bằng cách đều đặn chia sẻ những phương cách chúng tôi giúp đỡ và khích lệ lẫn nhau. Mỗi buổi họp thành viên cũng bắt đầu như vậy.

Một nền văn hóa cạnh tranh bị dập tắt giữa một nền văn hóa khích lệ. Hãy khiến việc chú ý đến những ơn của nhau là một điều bình thường.

Giữ Đấng Christ Là Trung Tâm

Các sứ đồ quan tâm đến công tác truyền giáo (Công vụ 4:20), họ quan tâm đến sức khỏe của hội thánh (Công vụ 2:42-47), họ quan tâm đến những nhu cầu thuộc thể của những người xung quanh mình (Công vụ 6:1-6), và họ quan tâm về giáo lý (Công vụ 15:8-11), nhưng họ chưa bao giờ đi lạc khỏi mục đích chính: cùng nhau quý trọng Đấng Christ.

Những lời cuối cùng trong bức thư thứ hai của Phi-e-rơ kêu gọi chúng ta “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời” (II Phi-e-rơ 3:18). Phao-lô gọi sứ điệp hiệp nhất chúng ta là một là “sự vinh hiển chói lói của Tin lành Đấng Christ” (II Cô-rinh-tô 4:4). Giăng hiểu Chúa Jesus cứu chứng ta “ddđ” (I Giăng 5:20). Giăng hiểu rõ rằng Chúa Jesus cứu chúng ta “đặng chúng ta biết Đấng chân thật” (I Giăng 5:20).

Thời kỳ chủ nghĩa bộ lạc của chúng ta không khiến hội thánh bị ảnh hưởng. Một số nhóm tập chú vào sứ mạng và truyền giáo. Một số khác thì chú trọng đến sức khỏe của hội thánh hoặc những công tác xã hội. Tất cả đều tốt! Tuy nhiên, nếu Đấng Christ không ở vị trí trung tâm nhóm lãnh đạo của bạn, các bạn sẽ bị phá vỡ. Bạn biết điều này, nhưng lại dễ quên.

Vinh quang của Đấng Christ là mặt trời, và đội ngũ lãnh đạo của chúng ta xoay vần quanh Ngài. Miễn là chúng ta không chỉ tin vào lẽ thật đó, mà còn liên tục bảo vệ nó, thì các nhóm chúng ta sẽ kinh nghiệm một niềm vui trọn vẹn (Giăng 15:11).

By Nathan Knight from Desiring God1

  1. Nathan Knight là mục sư của Hội Thánh Restoration Church và phục vụ trong nhóm lãnh đạo của mạng lưới xây dựng hội thánh Treasuring Christ Together. Ông và vợ, Andi, hiện sống tại Washington D.C. và có hai con trai. ↩︎

Loading