Press ESC to close

Lời Hứa, Hình Mẫu, và Nguyên Tắc

Cách Dùng Cựu Ước trong Tân Ước

Từ Ma-thi-ơ đến Khải Huyền, Tân Ước tràn ngập những trích dẫn trong các bản văn Kinh Thánh. Các sứ đồ và các cộng sự của mình đã dùng Cựu Ước giải thích kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên và tất cả các dân tộc qua sự thương khó và sự phục sinh của Chúa Jesus Đấng Mê-si-a, và hướng dẫn dân sự Ngài cách sống trong thời đại gian ác ngày nay. Bài viết này giới thiệu cách thức các trước giả Tân Ước trích dẫn Kinh Thánh. Để hiểu những câu trích dẫn Cựu Ước đầy mạnh mẽ và đôi khi gây khó hiểu của các môn đồ, chúng ta hãy bắt đầu với Người Thầy và Chúa của họ.

Những Con Đường từ Cựu Ước đến Tân Ước

Hãy bắt đầu với từ “ứng nghiệm (‘hoàn thành’_người dịch)”, mà chúng ta có thể dùng từ này để nói về một cửa hàng hoàn thành một đơn đặt hàng hoặc một người thực hiện một cam kết. Kinh Thánh sử dụng ý nghĩa của từ hoàn thành không chỉ cho các dự đoán tiên tri mà còn cho các hình mẫu được định hình bởi những lời hứa của Đức Chúa Trời nhằm chuẩn bị chúng ta cho những con người, những tổ chức và sự kiện lớn hơn và trong tương lai. Với ý này, Chúa chúng ta đề cập đến “mọi sự đã chép về ta” và “các đấng tiên tri nói” (Lu-ca 24:25, 44) không chỉ bao gồm lời tiên tri về một Đấng Mê-si-a rõ ràng (như Ê-sai 53) nhưng còn gồm các hình mẫu và hình bóng của Đấng Mê-si-a xuyên suốt Cựu Ước.

Việc dùng Cựu Ước trong Tân Ước đã khơi gợi và thách thức cho các nhà thần học trong nhiều thế hệ. Chẳng hạn, Martin Luther đã ví sánh Cựu Ước như “mảnh khăn quấn quanh người và máng cỏ Đấng Christ nằm” (Luther’s Works, 35:235). Và C.H. Spurgeon giải thích rằng như mọi ngôi làng ở Anh đều có một con đường dẫn đến Luân Đôn, “vì vậy mọi văn tự trong Kinh thánh, đều có con đường dẫn đến tâm điểm của Kinh thánh, đó là Đấng Christ” (“Christ Precious to Believers“). Mặc dù bài viết ngắn gọn này không thể đề cập đến hết các con đường dẫn đến Đấng Christ, tôi muốn nhấn mạnh đến ba con đường quan trọng nhất từ Cựu Ước đến Tân Ước: những lời hứa được thực hiện, các hình mẫu hoàn chỉnh và các nguyên tắc được nhắc lại.

Những Lời Hứa Được Thực Hiện

Tân Ước thường trích dẫn Cựu Ước để làm nổi bật sư ứng nghiệm của một lời hứa hoặc lời tiên tri cụ thể. Ở những khía cạnh này, Đấng Christ và các môn đồ của Ngài đã cho thấy rõ ràng rằng những lời tiên tri cổ xưa đã xảy ra giữa họ, điều này chứng tỏ rằng lời của Đấng chí cao là đáng tin cậy và chân thật. Hãy xem xét các ví dụ được chép trong Phúc Âm Lu-ca và các bài giảng của các sứ đồ được chép trong Công vụ. Một trong những ví dụ ấn tượng nhất về những lời hứa được thực hiện là Lu-ca 4:16–21, tại đây Chúa Jesus đã đứng dậy đọc lời tiên tri của Ê-sai 61:

Thần của Chúa ngự trên ta; Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, Kẻ mù được sáng, Kẻ bị hà hiếp được tự do; Và để đồn ra năm lành của Chúa.

Sau đó Ngài ngồi xuống và nhìn vào dân sự tại thành Na-xa-rét, “Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó.” Quan điểm của Chúa Jesus rất rõ ràng và lạ thường. Ê-sai đã viết về Ngài. Thần Linh ngự trên Ngài, như Lu-ca đã tường thuật về sự mang thai Chúa Jesus, về việc Ngài chịu báp-têm, chịu cám dỗ đã được ứng nghiệm rõ ràng (Lu-ca 1:35; 3:22; 4:1, 14). Ngài đã được xức dầu để công bố tin mừng và sự tự do đến với những người bị cầm tù và ruồng bỏ. Đấng Christ cũng nhấn mạnh khi Ngài trích dẫn Kinh Thánh ngay trước lúc bị bắt trong Lu-ca 22:37:

Vì ta rao cho các ngươi, có lời chép rằng: “Ngài đã bị kể vào hàng kẻ dữ.” Lời ấy phải ứng nghiệm về chính mình Ta.

Ở đây Chúa Jesus đã trích dẫn từ câu cuối trong lời tiên tri nổi tiếng của Ê-sai về người đầy tớ thống khổ (Ê-sai 53:12). Mặc dầu Ngài hoàn toàn “công bình” (Ê-sai 53:11; Lu-ca 23:47), Đấng Christ bị “liệt như kẻ phạm tội” khi Ngài bị bắt như kẻ trộm cướp (Lu-ca 22:52); bị kết tội như kẻ bất tuân luật pháp (Lu-ca 23:1-5), và phải chịu đóng đinh giữa hai tên tội phạm (Lu-ca 23:32). Chúa Jesus nhắc lại lời tiên tri Ê-sai nói trước về sự thương khó của Ngài và giải thích ý nghĩa thần học của sự chịu khổ vô tội của Ngài vì lợi ích của người khác.

“Kinh Thánh dùng sự diễn đạt về ứng nghiệm không chỉ cho các dự đoán tiên tri mà còn cho các hình mẫu định hình bởi những lời hứa của Đức Chúa Trời”.

Tương tự như vậy, các chứng nhân trong sách Công vụ cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời đã hoàn thành đúng những gì Ngài nói rằng Ngài thực hiện qua việc sai Đấng Cứu Chuộc của dân Y-sơ-ra-ên và khiến Ngài sống lại từ cõi chết. Ví dụ, Phao-lô kể lại cách Đức Chúa Trời đã dấy Đa-vít lên làm một vị vua đẹp lòng Ngài, và rồi ông tuyên bố: “Theo lời hứa, Đức Chúa Trời bèn bởi dòng dõi người mà dấy lên cho dân Y-sơ-ra-ên một Cứu Chúa, tức là Đức Chúa Jêsus” (Công vụ 13:23). Sau đó, sau khi nhắc lại sự thương khó và sự chết của Đấng Christ đã ứng nghiệm lời tiên tri xa xưa thế nào, ông đã thốt lên: “Còn chúng tôi, thì rao truyền cho các anh em tin lành nầy về lời hứa ban cho tổ phụ chúng ta, rằng Đức Chúa Trời bởi khiến Đức Chúa Jêsus sống lại thì đã làm ứng nghiệm lời hứa đó cho chúng ta là con cháu của tổ phụ, y như đã chép trong sách Thi thiên đoạn thứ hai rằng: ‘Con là Con trai ta, ngày nay ta đã sanh Con’” (Công vụ 13:32-33). Phao-lô dùng khúc Thi thiên về dòng dõi vua chúa nổi tiếng này như một bằng chứng thuyết phục cho sự phục sinh và tôn cao của Đấng Christ, báo hiệu khởi đầu sự trị vì vô tận của Ngài với tư cách là con trai lời hứa của Đa-vít.

Hình mẫu Hoàn Chỉnh

Tân Ước cũng đưa ra một số hình mẫu hoặc tiêu chuẩn trong Kinh Thánh Chúa Jesus Christ đã ứng nghiệm. Chẳng hạn, Ngài là vị vua thuộc dòng dõi Đa-vít (Lu-ca 1:32–33), là tiên tri như Môi-se (Công vụ 3:22), thầy tế lễ thượng phẩm tối cao (Hê-bơ-rơ 7:26–28), đền thờ đẹp đẽ hơn (Giăng 2:21), và chiên con cuối cùng của Lễ Vượt Qua (I Cô-rinh-tô 5:7). Bởi vì Kinh thánh được Đức Chúa Trời chủ tể hà hơi, chúng phản ánh những hình mẫu nhất quán trong suốt lịch sử cứu chuộc. Những con người trước đây, sự kiện và thể chế trong câu chuyện Kinh thánh đều tương thích và là những điều tiên tri trước những việc được ứng nghiệm sau này và vĩ đại hơn — phù hợp với điều mà Jim Hamilton gọi là “hình mẫu theo lời hứa”. Việc nghiên cứu các hình mẫu thần học và lịch sử trong Kinh Thánh gọi là “phân loại học,” phản ánh về thuật ngữ Kinh Thánh typos, có nghĩa là “loại” hoặc “hình mẫu.” Vì vậy, Phao-lô gọi A-đam “là người làm hình bóng của Đấng phải đến” (Rô-ma 5:14; xem thêm trong I Cô-rinh-tô 15:45-47).

Trong số nhiều ví dụ trong Kinh thánh về các hình mẫu được hoàn thiện, chúng ta hãy xem xét ngắn gọn hai ví dụ.

Thứ nhất, từ lúc bắt đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất, dự đoán một trời mới và một đất mới, nơi sự công bình sẽ ngự trị (Sáng thế ký 1:1; Ê-sai 65:17; II Phi-e-rơ 3:13). Các đặc điểm cụ thể của sự mặc khải cuối cùng về sự tạo dựng mới trong sách Khải Huyền gợi lại Sáng Thế Ký 1–2, chẳng hạn như cây sự sống và con sông chảy ngang qua đó. Tuy nhiên, Khải Huyền 21–22 không chỉ miêu tả sự trở lại vườn Ê-đen, mà còn cho thấy sự kết thúc của câu chuyện vượt trội hơn rất nhiều so với lúc ban đầu như thế nào khi những người được cứu chuộc ở trong sự hiện diện vinh hiển của Đức Chúa Trời mà không có bất kỳ sự rủa sả, tội lỗi hoặc đe dọa nào sót lại.

Hơn nữa, Chúa Jesus và các sứ đồ đưa ra hình mẫu của “hòn đá” bị từ chối là hòn đá góc nhà được lựa chọn của Đức Chúa Trời trong đền thờ mới (ví dụ, Lu-ca 20:17; Công vụ 4:11; I Phi-e-rơ 2:6-8). Hình ảnh này xuất phát từ một nhóm các đoạn trong Cựu Ước, đặc biệt là Thi thiên 118:22 – “Hòn đá mà thợ xây loại ra, đã trở nên đá đầu góc nhà.” – và Ê-sai 28:16 – “Nầy, ta đặt tại Si-ôn một hòn đá để làm nền, là đá đã thử nghiệm, là đá góc quí báu, làm nền bền vững: ‘ai tin sẽ chẳng gấp rút.’” Chúa Jesus hoàn thành hình mẫu Kinh Thánh này khi Ngài bị các nhà lãnh đạo Do Thái từ chối, những người được xem là “các ông xây nhà” trong Thi Thiên (xem Công vụ 4:11), và khi Ngài vượt qua sự chết để chứng minh rằng Ngài là Đấng Mê-si-a được chọn của Đức Chúa Trời và là nền móng vững chắc cho dân sự của Ngài.

Các Nguyên Tắc Được Nhắc Lại

Các trước giả Tân Ước không chỉ trích dẫn Kinh thánh để cho thấy qua Đấng Christ đã ứng nghiệm những lời tiên tri và hình mẫu Kinh thánh như thế nào; mà Cựu Ước cũng đưa ra những nguyên tắc, ví dụ và hướng dẫn đạo đức cho những người theo Đấng Christ. Ví dụ, Lê-vi ký 19:18 — “Hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình” – được trích dẫn chín lần trong Tân Ước, nhiều hơn bất kỳ câu nào khác. Tương tự như vậy, Chúa Jesus và các sứ đồ đã nhắc lại những điều cấm của Luật pháp về tội giết người và ngoại tình và các mạng lệnh phải tôn trọng cha mẹ.

Kinh Thánh đưa ra “sự hướng dẫn” và “sự khích lệ” cho các tín đồ theo nhiều cách khác nhau (Rô-ma 15:4). Các trước giả Tân Ước trưng dẫn các ví dụ về sự bất trung của dân Y-sơ-ra-ên để cảnh báo hội thánh về những hậu quả của tội lỗi và sự vô tín (I Cô-rinh-tô 10:6; Hê-bơ-rơ 3:7-19). Sự kiên định của Gióp và đặc tính nhân từ của Đức Chúa Trời đem đến hi vọng trong những thời điểm đau khổ (Gia-cơ 5:10–11), trong khi đó cuộc đời của Ê-li giúp chúng ta có động lực cầu nguyện cách hết lòng (Gia-cơ 5:17–18). Người công bình trong Thi Thiên 112 là người “rời rộng” khích lệ các tín đồ Đấng Christ làm nhiều việc lành (II Cô-rinh-tô 9:8–9). Tương tự, sự chỉ dẫn của Luật pháp trong việc con bò không bị khớp miệng đưa ra một cách thức tương tự cho dân sự Đức Chúa Trời để hỗ trợ những người có công tác trong chức vụ phúc âm (I Ti-mô-thê 5:18; I Cô-rinh-tô 9:9). Và đặc tính hoàn hảo của Đức Chúa Trời tiếp tục định hình tiêu chuẩn đạo đức thánh khiết của các tín đồ (I Phi-e-rơ 1:15–16).

Những điều này không hẳn đầy đủ, nhưng nó cho thấy khả năng áp dụng rộng rãi các ví dụ và nguyên tắc trong Kinh Thánh cho cuộc đời của các tín đồ cùng với nhau cho đến khi Đấng Christ trở lại.

Che Giấu và Tiết lộ

Thánh Augustine từng viết, “Tân Ước được ẩn giấu trong Cựu Ước và Cựu Ước được mặc khải qua Tân Ước” ((Writings on the Old Testament, 125). Thật vậy, hai giao ước kết hợp với nhau để tiết lộ kế hoạch cứu chuộc vĩ đại của Đức Chúa Trời và khẳng định tính đáng tin cậy hoàn toàn của lời Đức Chúa Trời. Độc giả sẽ khó có thể tìm thấy một chương trong Tân Ước nào mà không đề cập một cách rõ ràng hoặc ngụ ý đến những lời hứa, hình mẫu và nguyên tắc của Cựu Ước. Các cụm từ như “đã chép” và “làm trọn lời Kinh Thánh” và “Đức Chúa Trời phán” nhắc nhở chúng ta rằng Cựu Ước và Tân Ước kết hợp với nhau và đạt đến đỉnh điểm Đấng Christ trở lại khi “kỳ hạn đã được trọn” (Ga-la-ti 4:4). Thật vậy, “các lời hứa của Đức Chúa Trời đều là phải” trong Chúa Jesus của chúng ta (II Cô-rinh-tô 1:20).

By Brian Tabb from DesiringGod


Brian Tabb (@BJTabb) is president and professor of biblical studies at Bethlehem College & Seminary, general editor of Themelios, and author of multiple books, including After Emmaus and All Things New. He and his wife, Kristin, have four children and are members of The North Church.

Loading