Press ESC to close

Cách Trở Thành Người Lắng Nghe Giỏi

Phương Cách Lắng Nghe Theo Tinh Thần Kinh Thánh

Biết cách lắng nghe sẽ mang lại kết quả tốt. Nhưng để nhận biết người khác cần được lắng nghe bao nhiêu là đủ thì phải có thời gian và thực hành.

Khi tinh thần mệt mỏi tột độ buộc tôi phải trở về từ cánh đồng truyền giáo, tôi biết mình cần được giúp đỡ. Sợ hãi, nhưng lại tuyệt vọng không tìm được câu trả lời, tôi bước đến văn phòng tư vấn Cơ-đốc.

Lúc đầu, tôi trả lời những câu hỏi của người cố vấn trong trạng thái đề phòng. Nhưng khi cảm nhận được lòng thương xót và thấu hiểu của anh ấy, tôi bắt đầu cảm thấy an toàn.

Trong chốc lát, tôi bắt đầu tuôn đổ tâm tư khi anh ấy ngồi lắng nghe chăm chú. Tương tự đường nét phổ rộng của cây cọ vẽ, những lời kể của tôi tái hiện lại toàn bộ khung cảnh – những ký ức về các việc đã xảy ra, những khúc rối rắm trong quá khứ. Các câu hỏi sâu sắc của anh ấy đã giúp tôi mô tả cảm xúc của mình, nhiều trong số đó bị chôn vùi rất sâu. Việc trò chuyện với một người quan tâm đến mình đã giúp tôi có cơ hội nghe được những suy nghĩ của chính mình, và tôi bắt đầu được chữa lành.

Nhiều tháng sau, khi sức khỏe được hồi phục và sự vui mừng tràn ngập bởi sự an toàn được cảm nhận từ đáy lòng, tôi đã nói với anh bạn cố vấn, “Lắng nghe là một trong những điều tốt nhất mà anh từng làm cho tôi.” Sau đó tôi hỏi, “Phải chăng lắng nghe là một món quà?”

“Không,” anh ấy trả lời.

“Làm thế nào anh có thể biết lắng nghe giỏi như vậy?”

“Nhờ vào thực hành,” anh ấy đáp, điều đó giúp tôi biết chắc rằng bất cứ ai muốn đều có thể học cách lắng nghe.

Đó là vào hai năm về trước. Tôi vẫn đang cam kết lắng nghe, nhưng tôi tin đây là một trong những phương tiện hiệu quả nhất Đức Chúa Trời ban cho để chúng ta giúp đỡ người khác. Tôi nhận thức rằng lắng nghe là một kỹ năng không dễ học, nhưng là một kỹ năng mang lại nhiều ích lợi.

Tại Sao Phải Lắng Nghe?

Để trau dồi kỹ năng lắng nghe, tôi bắt đầu bằng việc quan sát và trò chuyện với những người lắng nghe giỏi. Tôi khám phá ra rằng động lực giúp họ lắng nghe giỏi là vì họ học được rằng lắng nghe ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi con người, và do vậy họ kiên nhẫn rèn luyện bản thân để lắng nghe.

Mỗi khi khám phá ra vai trò chủ đạo của việc lắng nghe, tôi bắt đầu ghi chép lại vào một quyển sổ nhỏ. Đầu tiên, tôi học được rằng lắng nghe khẳng định con người. Thật vậy, đó là một trong những hình thức khẳng định rõ ràng nhất. Khi lắng nghe, tức là chúng ta mời một người khác hiện diện. Một người chủ dừng lại ở bàn làm việc của thư ký để hỏi ý kiến của cô ấy, một người mẹ tắt máy hút bụi để nghe con nói với mình, một khách hàng dừng lại để hỏi “Bạn khỏe không?” với nhân viên bán hàng – từng điều này khẳng định sự tồn tại của một ai đó.

Chúa Jesus thường xuyên như vậy. Trong Mác 10, khi rời Giê-ri-cô, Ngài được bao quanh bởi một đoàn dân đông. Tuy nhiên, khi Chúa nghe thấy một người ăn xin mù kêu tên mình, Kinh thánh chép: “Chúa Jesus dừng lại”. Ngài gọi Ba-ti-mê đến với mình và lắng nghe ông. Điều thứ hai tôi học được rằng chúng ta giúp nhau vững mạnh thông qua việc lắng nghe giỏi. Khi đọc các sách Phúc Âm, chúng ta sẽ cảm nhận được ngay cả Chúa Jesus cũng nhận được sự khích lệ khi Ngài chia sẻ tâm tư của mình với những người muốn lắng nghe.

Trong cuốn sách Prescriptions for a Tired Housewife (Phương Thuốc của một Người Nội Trợ Kiệt Sức), James Dobson nhận xét, “Thật kỳ lạ, con người… chịu đựng căng thẳng và áp lực dễ dàng hơn nhiều nếu ít nhất có một người khác biết họ đang phải chịu đựng nó.” Nếu chúng ta học cách đặt ra những câu hỏi sâu sắc và sau đó chờ đợi câu trả lời, chúng ta có thể là “một người khác” mà ai đó cần chia sẻ những gánh nặng trong cuộc sống của họ.

Thứ ba, lắng nghe giúp người nói làm rõ suy nghĩ của mình. Dawson Trotman thường nói, “Những suy nghĩ sẽ tự mình tháo gỡ được khi khi chúng lướt qua môi hoặc qua đầu ngón tay” — nghĩa là bằng cách nói và viết. Khi chúng ta cho mọi người cơ hội để nói, chúng ta giúp họ loại bỏ những suy nghĩ rối rắm. “Mưu kế trong lòng người ta như nước sâu;” Châm ngôn 20:5 chép, nhưng “người thông sáng sẽ múc lấy tại đó.”

Chúa Jesus đã kéo mọi người ra. Chẳng hạn, Ngài không vội vàng khi bắt chuyện với người phụ nữ bên giếng nước (Giăng 4), mặc dầu Ngài biết sẽ cần nhiều thời gian để bà trút bỏ những vỏ bọc bề ngoài để có thể hỏi những điều liên quan đến thần học.

Thời gian trò chuyện không vội vã như vậy đã giúp tôi khi tôi đang cố gắng giải quyết một vấn đề đang phải vật lộn. Trong công việc, cấp quản lý của tôi đã tạo ra một bầu không khí mà tôi có thể thoải mái nói chuyện với anh ấy bất cứ lúc nào. Tuần trước khi tôi cảm thấy áp lực, chúng tôi đã nói chuyện. Và lúc đó, tôi nhận thấy mình đã xác định được nguyên nhân của áp lực đó. Việc bày tỏ những suy nghĩ của mình đã khích lệ tôi thành thật với bản thân, một điều không phải lúc nào cũng dễ dàng với tôi. Khi sẵn lòng lắng nghe, anh ấy đã giúp tôi xác định chính xác vị trí của mình và cam kết sửa chữa một số sai sót.

Một người biết cách lắng nghe sẽ trao cho chúng ta cơ hội bày tỏ quan điểm mà không sợ bị phán xét, cắt ngang, hay chuyển hướng. Chúng ta cảm thấy được an toàn và không cần vội vàng, thế nên chúng ta sẽ có thể bày tỏ những gì đang thật sự diễn ra bên trong.

Điểm thứ tư mà tôi khám phá ra được là khả năng lắng nghe tốt sẽ giúp chúng ta phản hồi chính xác hơn với những gì đối phương nói. Châm ngôn 25:11-12 (NASB) cho chúng ta biết, “Lời nói phải thì, khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc. Người khôn ngoan quở trách lỗ tai hay nghe, khác nào một cái vòng vàng, một đồ trang sức bằng vàng ròng vậy.” Sô-lô-môn biết rằng lời khuyên tốt chỉ hiệu quả khi “phải thì” và khi được lắng nghe bởi “lỗ tai hay nghe.”

Có lần khi tôi đang ở trong giai đoạn đầu bị “kiệt sức”, và lặng lẽ chiến đấu với chứng trầm cảm, tôi đã tham dự một kỳ nghỉ dưỡng với các giáo sĩ khác. Vào buổi sáng khi một người bạn và tôi đang dọn giường, và tôi hỏi cô ấy, “Bạn xử lý tâm trạng chán nản như thế nào?”

Vừa lật tấm chăn phủ lên ga giường, vừa khúc khích cười, cô ấy nói, “Tôi ư? Ồ, tôi chỉ bước ra khỏi cơn chán nản này và bước sang cơn chán nản khác.” Rồi câu chuyện kết thúc ở đó.

Từ đó tôi đã học được rằng nhiều người cũng thường ở trong hoàn cảnh tương tự như tôi ngày hôm đó: Phía sau câu hỏi là một lời tuyên bố, và ẩn sau lời tuyên bố đó, là một cảm giác. Khi tôi hỏi cô bạn đó, “Bạn xử lý tâm trạng chán nản như thế nào?” tức là tôi đang cố gắng nói, “Tôi đang chán nản.” Và phía sau sự thừa nhận đó là một cảm giác thậm chí khó bày tỏ hơn: “Tôi e ngại.” Tôi cần bày tỏ tất cả những điều này, nhưng không thể.

Biết cách lắng nghe có ích như thế nào trong hoàn cảnh này? Trước hết, điều đó khích lệ họ tiếp tục nói. Yếu tố được đề cập đến đầu tiên ít khi là vấn đề cốt lõi. Chỉ khi người nói tiếp tục cuộc trò chuyện thì vấn đề chính yếu mới bắt đầu lộ diện.

Lắng nghe đủ sẽ giúp chúng ta nghe được những lời nói hoặc câu hỏi bên trong và khám phá cảm giác đằng sau đó. Không may thay, nhiều người trong chúng ta lại bị xâm chiếm nhiều bởi chính mình khi lắng nghe. Thay vì tập chú vào những gì đang được đề cập, chúng ta lại bận rộn cân nhắc cần phải phản hồi lại như thế nào hoặc phản đối cái nhìn của người khác trong tư tưởng.

Trong Châm ngôn 18:13 có chép, “Trả lời trước khi nghe, ấy là sự điên dại và hổ thẹn cho ai làm vậy.” Tôi rùng mình khi nhớ lại có những lần tôi đưa ra lời khuyên chỉ để sau đó phát hiện ra mình đang trả lời một câu hỏi không được hỏi. Những sai lầm như vậy phải trả cái giá khá đắt vì khi đó người hỏi cảm thấy hiểu lầm và e dè.

Ngoài ra, việc lắng nghe giỏi thường xoa dịu những cảm xúc đang là một phần của vấn đề đang được thảo luận. Đôi lúc trút bỏ những cảm xúc là tất cả những gì cần để vấn đề được giải quyết. Có thể người nói không muốn hoặc không mong chờ chúng ta trả lời lại bất cứ điều gì.

Vào một buổi sáng nọ, tôi uống trà cùng một người bạn thân của mình khi cô ấy trở về từ cách đồng truyền giáo. Cảm nhận được sự an toàn bởi tình cảm của cô ấy, tôi đã mở lòng và tâm sự cho cô ấy sự vật lộn sâu thẳm mà tôi đang trải qua. “Tôi cảm thấy quá cô đơn,” Tôi nói, với mắt ngấn lệ. “Như thể Đức Chúa Trời không có vậy.”

Cô lắng nghe, sau đó luồn tay vào tay tôi và siết chặt. Đôi mắt của cô ấy tràn đầy lòng thương xót. “Ngài đang ở đó,” cô nói.

Đó là tất cả những gì cô ấy đáp ứng lại. Không có lập luận thần học. Không có lên án “Bạn-không được-cảm thấy-như vậy.” Bằng cách nào đó, cô ấy biết những nghi ngờ của tôi sẽ qua đi, và điều tôi cần đơn giản chỉ là bày tỏ chính mình.

Hiển nhiên có những khi việc tỏ ra những cảm xúc bị dồn nén chỉ là một phần của giải pháp. Nhưng đối với tôi, đó là cách thường cần thiết trước tiên.

Cách Cải Thiện

Một trong những cách tốt nhất để học cách lắng nghe là học theo cuộc đời của Chúa Jesus. Đọc các sách Phúc Âm và xem cách vị giáo sư bậc thầy này khẳng định con người, lôi kéo họ, và nói chính xác nhu cầu thật sự của họ. Chúa Jesus thúc đẩy chúng ta lắng nghe giỏi hơn.

Sách Châm Ngôn cũng là một nguồn tài liệu chứa đựng những lời khuyên thực tiễn trong việc lắng nghe. Tôi dùng một cây viết chì màu và gạch chân tất cả những câu Châm Ngôn dạy cách lắng nghe.

Để biến những gì đã học được về việc lắng nghe thành một phần thực sự của bản thân, tôi đã áp dụng cách tiếp cận gồm năm phần.

Thứ nhất, tôi học thuộc lòng một số câu Kinh Thánh dạy về việc lắng nghe như Ê-sai 50:4 – Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi. Ngài đánh thức ta mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học trò vậy.

Một sáng tôi dành thời gian để cầu nguyện dựa vào những câu Kinh Thánh này. Tôi cầu xin Đức Chúa Trời ban cho tôi một đôi tai biết nghe và một cái lưỡi biết nâng đỡ người khác.

Thứ hai, tôi ngừng việc cho rằng lắng nghe chỉ là một hoạt động thụ động. “Lắng nghe,” như cựu Thượng nghị sĩ S.I. Hayakawa của bang California đã nói, “đòi hỏi phải chủ động và đặt mình vào tình huống của người khác và cố gắng hiểu một khung tham chiếu khác với khung tham chiếu của chính bạn.” Điều này nghĩa là bạn phải chống lại sự xao nhãng, và buộc mình phải tự hỏi, “Người này đang nói gì với tôi? Anh ấy hoặc cô ấy có ý gì?” Tôi không muốn mình trở thành người dại dột trong Châm Ngôn 18:2, “không ưa thích sự thông sáng, nhưng chỉ muốn lòng nó được bày tỏ ra”.

Thứ ba, tôi ý thức lui về để tạo chỗ cho người khác cởi mở và nói. Trong cuốn The Wounded Healer, Henri Nouwen trích dẫn câu nói của James Hillman, giám đốc nghiên cứu tại Viện C.G. Jung ở Zurich, Thụy Sĩ: “Để người kia mở lòng và nói chuyện đòi hỏi người cố vấn cần rút lui. Tôi phải lui về để nhường chỗ cho người khác… Sự rút lui này, thay vì bước-ra ngoài-để-gặp-người khác, là một hành động tập trung cao độ.”

Trước đây sau khi lắng nghe, tôi từng đưa ra nhận xét kiểu, “Tôi hiểm cảm giác của bạn.” Sau đó tôi kể lại những điều tương tự đã xảy ra với tôi. Đôi lúc câu chuyện đó đem lại ích lợi, nhưng nhiều lúc chúng chỉ gây xao nhãng. Tôi đang học cách đặt chính mình qua một bên khi tôi lắng nghe.

Thứ tư, tôi chú trọng vào sự khẳng định hơn là câu trả lời. Trước đây khi lắng nghe tôi thường buộc mình phải nhanh chóng can dự vào và “sửa chữa mọi thứ,” như thể người kia đang yêu cầu tôi “làm điều gì đó.” Tôi đang học được rằng, mặc dù có những lúc tôi cần đưa ra câu trả lời hoặc giúp hướng dẫn ai đó, nhưng nhiều khi Đức Chúa Trời chỉ đơn giản muốn sử dụng tôi như một cách thể hiện tình yêu thương của Ngài khi tôi lắng nghe với lòng thương xót và thấu hiểu. Khi người ấy tìm thấy sự an toàn trong sự chấp nhận này, anh ta bắt đầu tin rằng Đức Chúa Trời yêu thương anh ta. Trong trạng thái khẳng định này, Đức Chúa Trời có thể làm việc với người này, và kết quả đem lại tốt hơn nhiều so với bất cứ điều gì mà sự mày mò yếu ớt của tôi có thể làm.

Cuối cùng, tôi xem việc lắng nghe là một kỹ năng cần thành thạo mỗi ngày một chút. Tiến trình chậm từ từ và có một số ngày tôi chán nản vì không biết cách lắng nghe.

Để cải thiện, tôi đã nhờ những người cùng làm việc giúp bằng cách chỉ ra những lúc tôi không lắng nghe. Tôi cũng dùng thời gian lái xe đi làm về để xem lại một ngày của mình. Tôi nghĩ về những cuộc gặp gỡ của tôi với người khác tại văn phòng, những cuộc điện thoại, khi ăn bữa trưa. Tôi ghi nhớ trong đầu những tình huống mắc sai lầm, những khi không lắng nghe người khác. Tôi tái hiện những cuộc trò chuyện và tự nhủ thầm những câu hỏi tôi ước mình đã đặt ra, những câu trả lời tôi ước mình đã nói. Cách thực tập trong đầu này giúp tôi chuẩn bị mình cho lần kế tiếp.

Học cách lắng nghe cần có thời gian và thực hành. Và cũng cần có tấm lòng biết quan tâm nữa. Một giáo viên dạy lớp 4 từng hỏi lớp, “Lắng nghe là gì?” Sau vài khoảnh khắc yên lặng, một cô bé giơ tay. “Lắng nghe,” cô bé nói, “là muốn nghe.”

Lạy Chúa, xin khiến chúng con trở thành người muốn nghe.

By Janet Dunn from DesiringGod


©1983 Discipleship Journal. Posted with permission. All rights reserved.

Janet Dunn is an author and a former missionary.

Loading