Giáo Hội Ngày Sa-bát
Là từ chung để gọi cho tất cả các Giáo Hội có cơ sở trên sự thờ phượng vào Ngày Thứ Bảy (tức là Ngày Sa-bát theo Cựu Ước), và Chúa Jesus đang trở lại trong thiên niên chúng ta: The Advent Christian Church, The Primitive Advent Church, The Church of God (or The Church of God In Christ Jesus), The Seventh Day Adventists (Giáo Hội Phục Lâm An Thất Nhật). Khởi xướng các giáo lí này do Mục Sư William Miller (GH Báp-tít), ở New York, trong thập niên 1830’s giảng dạy nhấn mạnh vào sự trở lại của Chúa. Ông tuyên bố rằng Chúa Jesus sẽ tái lâm vào các ngày trong năm 1843-44, và ngày chính xác là 22/10/1844. Các ngày đều không đúng. Có một số tín hữu nhiệt tâm vẫn tin lời của ông, sau “cuộc bất mãn vĩ đại” (great disappointment), họ đi về miền tây bắc. Về sau, họ thành lập giáo hội chính thức vào năm 1844, dưới sự lãnh đạo của Hiram Edson, và sau đó Ellen G. Harmon & Ellen (Harmon) White, đồ đệ của Miller, ở Portland. Vào thời ấy, các Giáo Hội Tin Lành nói chung xem họ là “tà giáo.” Về sau, cuối thập niên 1990’s sau nhiều lần sửa đổi tín lí, họ được các Giáo Hội Tin Lành thuần túy liên hữu trong niềm tin. Tuy nhiên, họ vẫn giữ ngày Thờ Phượng Chúa vào Ngày Thứ Bảy (theo ngày Sa-bát của Do Thái Giáo), tin chắc Tín Lí Ba Ngôi, sự Cứu Rỗi qua Chúa Cứu Thế Giê-su, Kinh Thánh là Lời ĐCT. Ngoài ra, trong nếp sống đạo, giáo hội chú tâm nhấn mạnh đời sống gia-đình, thờ phượng, làm lễ Báp-tem, chiêm nghiệm sự trở lại của Chúa Jesus, cũng như trông đợi 1000 năm bình an, sự an nghỉ linh hồn, kiêng ăn, cử uống rượu, không hút thuốc và kiêng cử một số đồ ăn khác. Qua Liên Hiệp Cơ Đốc Phục Lâm Đông Nam Á, Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm có truyền giáo qua Việt Nam trong cuối thập niên 1930’s, đến đầu năm 1932 chính thức hoạt động giảng dạy ở Nam Kỳ, đến năm 1937, Đại Hội Đồng đầu tiên ở Đà Nẳng. Công cuộc truyền giáo của giáo hội cũng tạo được nhiều hội thánh trong khắp ba miền trong nước Việt Nam. Vào năm 1954, ở Việt Nam chính thức đặt tên là Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật. Sau năm 1975, cũng như các Giáo Hội Tin Lành khác ngoài Giáo Hội Liên Hiệp Phúc Âm (CMA), không còn nhiều hội thánh như trước nữa, nhưng để lại một ảnh hưởng lớn qua Nhà Thương Cơ-Đốc Phục Lâm ở Sài-gòn. Mãi đến năm 1989, chính phủ Cộng Sản chính thức cho phép giáo hội hoạt động trở lại. Những tín hữu từ trước trong một vài hội thánh đã nỗ lưc tái mở ở Sai-gòn, trong vòng người kinh nhất là ở miền Nam, và cũng có vài nhóm trong vòng Người Dân Tộc (Thượng) Cao Nguyên.