Sự Phục Sinh
Nguyên từ Hy-lạp và La-tin Resurrectio, niềm tin về sự phục sinh khởi đầu từ người Do-thái Giáo (phái Pha-ri-si, trước Công Nguyên), tin rằng có sự sống lại của người chết vào ngày phán xét cuối cùng. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh Tân Ước, ghi chép về sự Phục Sinh của Chúa Cứu Thế Jesus là một điều phi thường, một bằng chứng cụ thể tin rằng có sự sống lại thật sự. Đức Chúa Trời đã làm cho Đức Chúa Jesus Con Ngài sống lại từ kẻ chết (Math. 20; Mác 16; Luc. 24; Giăng 20; Công 2:32, 4:10; Gal. 1:1tt). Xét thật kỹ về 4 khía cạnh cơ bản để chứng minh về một sự cố Phục Sinh thật sự xảy ra qua: (1) Từ chính nhân vật có trong lịch sử; (2) Từ những nhân chứng sống: Cha mẹ – anh em – bà con – các môn đồ; (3) Từ các tư liệu để lại do các văn sĩ, sử gia hay nhân chứng sử đương thời; (4) Ảnh hưởng của người đó với lịch sử, dân chúng … Sự kiện sống lại của Chúa Cứu Thế Jesus đã có đầy đủ các chứng tích đó, vừa chẳng những lịch sử đương thời mà còn có tiền chứng (lời tiên tri cả ngàn năm trước). Sâu xa hơn nữa, ý nghĩa phục sinh của Chúa Cứu Thế Jesus đã mang một ý nghĩa thần học cao siêu: (1) Chúa Jesus chính là Con Đức Chúa Trời và là Đức Chúa Trời thành nhân, Ngài là Đấng sống và tiếp tục sống vĩnh cửu; (2) Chứng minh được con người sẽ được phục sinh để rồi như lời Thánh Kinh cho biết là họ sẽ nhận lãnh sự phán xét của Đức Chúa Trời; (3) Quyền tể trị của Chúa cao cả trên muôn loài vạn vật trong đó có cả sự sống con người; (4) Lời Đức Chúa Trời và Chương Trình Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời đã hoàn tất qua sự chết, sự sống lại của Con Ngài – Đức Chúa Trời đã làm trọn giao ước từ ban đầu Ngài đã tỏ bày cho thế giới như câu Kinh Thánh sách Sáng 3: 15.