Kiêu Ngạo, Tự Hào
Từ tiếng La-tin Superbia, thường là nói lên phần tiêu cực hơn là tích cực của từ này. Từ này có nhiều nghĩa trong tiếng Việt: tự hào, tự kiêu, kiêu hãnh, kiêu ngạo. Nếu là kiêu ngạo hay là tự kiêu thì tỏ ra tinh thần tiêu cực, nhưng nói đến tự hào thì chưa hẳn là ý xấu. Trong Kinh Thánh đã nêu ra nhiều trường hợp để dạy chúng ta. Sa-tan luôn luôn kích động chúng ta lòng tự kiêu, kiêu ngạo, vì ngay ban đầu chúng đã cám dỗ bà Ê-va “ngươi sẽ bằng Đức Chúa Trời“, “ngươi không chết đâu, vì Đức Chúa Trời đã dấu ngươi…” “Kiêu-ngạo” là nguyên cớ của tội lỗi, theo quan niệm Tây Phương; còn “tham dục” theo quan niệm của người Đông Phương. Tuy trong Bản 10 Điều Răn không có nói đến, nhưng trong phần dạy dỗ của các Tiên Tri, các vua, rồi đến các sứ đồ của Chúa, và chính Chúa Giê-su trong thời Tân Ước, đã nói lên cái khủng hoảng, nguy hại của sự kiêu ngạo và cho những ai có lòng kiêu ngạo. Trong môn thần học học, kiêu ngạo là 1 trong 7 tội chết, theo Thánh Augustine (354-430), là căn nguyên của tội lỗi (Sáng 3). Người con dân Chúa, không học sự kiêu ngạo, nhưng hãy học sự khiêm nhường. .
Một đời của một vị vua khôn ngoan như Sa-lô-môn để lại chúng ta những câu châm ngôn chìa khoá đáng giá.
“Phàm ai có lòng kiêu ngạo lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va; Quả thật nó sẽ chẳng được khỏi bị phạt“ (Châm 16;5).
“Kiêu ngạo đi trước sự hủy diệt; Tự cao đi trước sự sa ngã.” (Châm Ngôn 16: 18).
“Người nào có lòng kiêu ngạo giục sự tranh cạnh; Nhưng kẻ nào tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ được no nê.” (Châm-ngôn 28:25).
Thánh Gia-cơ khuyên:
“Vì vậy, Kinh Thánh chép rằng: Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (Gia-cơ 4:6).
Thánh Phao-lô cũng dạy:
“Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,..” (I Cô. 12:5).
Khi còn tại thế, Chúa Giê-su dạy cho các môn đệ về cái giá của sự “tự cao” (cũng tương đương với kiêu ngạo).
“Bởi vì ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên.” (Lu-ca 14:11). Chính Ngài đã làm gương, Ngài tự hạ mình xuống, để rữa chân cho các môn-đệ.
Suốt môt đời sống khiêm nhừơng của Chúa Giê-su, tự hạ mình xuống, vâng phục Chúa Cha cho đến chết, “…Ngài lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.”(Xem Phi-lip 2:7-8). Kết quả, Chúa Giê-su được ĐCT là Cha cất lên, ban ngôi cao cả trị vì thiên hạ trên Nước Thiên Đàng của Ngài.