Kinh Thánh, Thánh Kinh
Nguyên từ này do tiếng từ vùng Byblos, thuộc Phoenicia xứ Syria. Người Hy-lạp gọi là Byblos mượn từ tiếng Ai-cập “papyrus”. Về sau gọi là biblion. Papyrus là loại cỏ lau, được ép ra thành từng miếng bìa nhỏ, người ta dùng viết chữ trên nó từ thời cổ xưa. Người Anh dịch từ đó ra là bible (cuộn sách), tức là một quyển sách. Ngày nay, từ gọi “quyển sách” ấy đã dùng để nói đến một “quyển sách” có một không hai, đặc biệt, độc đáo, gọi là Kinh Thánh. Từ Kinh Thánh là từ dùng thường xuyên trước năm 1970, các con dân Chúa người Việt Nam ảnh hưởng cách dùng của người Trung Hoa, nên đổi ngược lại là Thánh Kinh. Trong Việt Ngữ “kinh” là “sách” (do tiếng Hán), và “thánh” là “thánh, hiển” để chỉ những gì cao cả hơn phàm tục. Trong Anh Ngữ cũng thế “Bible” trở thành một sách siêu hạng, cao cả, ghi chép những gì thiện, hiển vinh, thiêng liêng, thánh thiện từ trên cao (divine revelation). Thánh Kinh là cuộn kinh ghi chép lời Đức Chúa Trời ban bố cho loài người, và được ghi lại do con người, bởi sự soi sáng của Đức Chúa Trời, từ thời xa xưa khi ngôn tự vừa mới hoàn thành ở vùng Ba-by-lôn, Hy-lạp và Trung Đông. Đặc biệt là dân Do Thái được Chúa chọn để tiếp tục ghi chép và lưu truyền cho đến suốt hơn 1,500 năm, và hoàn tất khoảng 120 năm sau khi Chúa Giê-su về trời, qua hơn 40 bút ký gia. Thánh Kinh bao gồm 2 phần Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước gồm 39 sách nhỏ, Tân Ước gồm 27 sách nhỏ. Cựu Ước hoàn tất khoảng 300 năm trước Chúa, và Tân Ước khoảng 120 sau Chúa. Cả Cựu Ước và Tân Ước ghi chép như là một câu chuyện có khởi đầu và có kết thúc. Khởi đầu là sự sáng tạo nên thế giới vũ trụ trong đó có con người, và kết thúc là tiên tri về những ngày cuối cùng của con người trên đất. Trong đó vừa bao gồm lịch sử của dân Do Thái cũng là lịch sử của một Đấng qua lời hứa của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại, đó là Đấng Cứu Thế. Chính vì điều đó, mà trải dài 1500 năm qua hơn 40 ký thuật gia, tuần tự nối tiếp ghi lại câu chuyện Đấng ấy cách rõ ràng mạch lạc, dù rằng 40 ký thuật gia này không ai biết ai. Cựu Ước là lời hứa, là Giao Ước của Đức Chúa Trời, và Tân Ước là phần lời hứa được ứng nghiệm: Lời hứa về Đấng Cứu Rỗi sẽ ra đời, và Đấng Cứu Rỗi đó là Chúa Giê-su được ghi chép rõ ràng từ lời tiên tri đến sự ứng nghiệm, kể cả mục đích, đời sống và cuối cùng là sự chết, sự sống lại của Đấng Cứu Thế. Cựu Ước ghi chép bằng tiếng Hê-bơ-rơ (tiếng của người Do Thái) và Tân Ước bằng tiếng Hy-lạp (có vài sách bằng tiếng A-ram, như là sách Đa-ni-en, Gie-re-mi, và E-xơ-ra. (Tiếng A-ram là tiếng thông dụng của vùng Trung Đông, thịnh hành trong khoảng thời gian dân It-ra-en bị lưu đày). Những ký thuật gia gồm có các thầy tế, tiên tri, lãnh đạo, vua, quan, môn đồ, sứ đồ, và các nhà văn thơ. Sự thành hình của Thánh Kinh cả là một công trình sưu tầm, nghiên cứu lịch sử và sự chọn lựa cẩn thận qua nhiều thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh.
Ngày nay, Thánh Kinh đã trải qua hơn 20 thế kỷ, qua nhiều biến cổ lịch sử, nhiều sự bình phẩm gây gắt, nhưng rồi tự nó đã mang một được một sức mạnh, một thẩm quyền huyền bí siêu nhiên tồn tại của chân lý bảo đảm niềm tin cho những ai tin, vì chính nó đã được viết lên bởi Linh Thần của Đức Chúa Trời soi dẫn. Trong ý thức thiên đạo và trong niềm tin con dân Chúa trong Hội Thánh. Thánh Kinh là lời Đức Chúa Trời, chính Đức Chúa Trời là tác giả toàn bộ Kinh Thánh, có Đức Thánh Linh soi dẫn từng người ghi chép. Nội dung Thánh Kinh là lịch sử cứu rỗi qua Chúa Cứu Thế Giê-su. Toàn bộ Thánh Kinh không chút sai lầm. Mục đích Thánh Kinh là trình bày tình yêu của Đức Chúa Trời qua sự hy sinh của chính Ngài bởi sự nhập thể nhập thế qua Chúa Giê-su để đem con người về lại với Ngài, vì tổ phụ loài người đã trái lời phán dạy đi vào chốn tội lỗi và hình phạt đời đời trong hoả ngục. Kinh Thánh trở nên một thông điệp yêu thương vĩnh phúc của Đức Chúa Trời cho nhân loại.