Ông sinh ở Basel, Thuỵ Sĩ và được trưởng dưỡng trong gia đình của mục sư thuộc Giáo Hội Cải Cách (Reform). Ông học Thánh Kinh ở Đại Học Bern và ở Đức. Ông được thụ phong mục sư năm 1908, và được phục vụ nhiều nơi ở Thuỵ Sĩ. Trong thời gian ở đây, ông nhận diện được sự bộc phát và khủng hoảng của thiên đạo học tự do. Từ đó, ông nhìn được vị thế của mình và dành thì giờ biên soạn quyển sách giải kinh“Der Romerbrief,” 1919 (Giảng Giải Sách Rô-ma). Chính sách này đã tạo chỗ đứng cho ông là Trưởng Khoa Thiên Đạo Học Cải Cách ở Göttingen, và được công nhận là người khởi xướng tư tưởng Tân Chính Thống và Thiên Đạo Học Biện Chứng (Neo-orthodoxy and Dialectical Theology). Sau Thế Chiến I, ông tiếp tục viết thêm nhiều sách và nhiều bài khảo luận. Bộ sách nổi tiếng thâm thúy là,“Church Dogmatic” (Đạo Lí Hội Thánh), gồm 13 quyển, dài hơn 10.000 trang. Đến nay, các học giả và thiên đạo gia đều công nhận đây là một bộ sách với nhiều tư tưởng uyên thâm, sâu sắc nhất, và chỉ có ít người hiểu thấu hết tư tưởng thiên đạo của ông. Ông cũng dự phần trong phong trào chống lãnh tụ độc tài Hitler viết lên Bản Tuyên Ngôn Barmen 1934, tạo giáo hội tinh thần chống chủ xướng Nazi.
Sau đây là phần tóm gọn tư tưởng của ông: (1) Đức Chúa Trời là Đấng Siêu Việt tuyệt đối, sự siêu việt đó đã hiện thực qua Chúa Jesus Christ. (2) Phương thức thiên đạo học biện chứng minh tỏ được sự đối xứng của sự siêu việt trên, tức là vô hạn thành hữu hạn, vĩnh cữu đi vào thời gian… (3) Con người được khẳng định ở trong giới hạn hiện sinh, khủng hoảng, phán xét…vì khước từ chân lý của Đức Chúa Trời qua Đạo (Word, Chúa Jesus). Ngoài ra, ông giảng giải rất uyên thâm về Đạo (God-man Logos). Ông và thiên đạo gia E. Bruner cùng thời đã tranh biện sôi nổi về thiên đạo học tự nhiên (natural theology). Tư tưởng thiên đạo của ông vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong Hội Thánh chung trên toàn thế giới ngày nay. Có thể nói ông là người ngang bằng với các thiên đạo gia chính thống J. Calvin, Augustine, T. Aquinas của thế kỷ 20th…